Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố Đề án sáp nhập với Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF). Tình hình tài chính và hoạt động của VVF từ đây cũng được công khai.

Theo đó, tổng tài sản của VVF tính đến 30/6/2015 đạt 1.230 tỷ đồng. Duy chỉ có năm 2011, con số này tăng trưởng mạnh tới hơn 6.000 tỷ đồng và là con số cao nhất trong 5 năm (2011-2015).

Khả năng huy động vốn của VVF trong 2 năm 2014 - 6/2015 là con số 0. 


Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của VVF liên tục tụt dốc từ năm 2011 tới năm 2014, VVF lỗ 12,1 tỷ đồng. Nguyên nhân là sự gia tăng của chi phí dự phòng các khoản trái phiếu và tiền gửi quá hạn, chi phí dự phòng cho vay khách hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, công ty có lãi trở lại 13,4 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của VVF tăng mạnh trong vòng 5 năm từ 2010 - 2014. Đặc biệt, năm 2014, tỷ lệ nợ xấu lên tới 70,12%, cao nhất trong các năm, gấp 3 lần năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2012. Tính đến 30/6/2015, tỷ lệ nợ xấu của VVF cũng đã ở mức 35,25%, trong khi tỷ lệ này ở SHB là 2,48%.

Tuy nhiên, trong văn bản đề án sáp nhập, SHB đánh giá "nếu xét số tuyệt đối thì nợ xấu của VVF tương đối nhỏ do quy mô dư nợ của VVF giảm dần qua các năm". Bởi lẽ, tới tháng 6/2015, nợ xấu của VVF chỉ là 57 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong nội dung quyền hạn của mình khi sáp nhập, các thành viên HĐQT, BKS , Tổng Giám đốc VVF và các cá nhân liên quan có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với SHB xử lý, thu hồi các khoản nợ tồn đọng, nợ xấu của VVF sau khi sáp nhập vào SHB. Đặc biệt, khoản VVF đầu tư mua 150 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tập đoàn Vina được Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) bảo lãnh.

Theo đề án sáp nhập, SHB sẽ phát hành 100 triệu cổ phần để hoán đổi cổ phần VVF đang lưu hành, tỷ lệ 1:1. Vốn điều lệ SHB sau phát hành là 10.486 tỷ đồng. Cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần ngân hàng sau sáp nhập là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.


Khổng Chiêm