Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ông Nghiêm Xuân Thành kiến nghị Chính phủ 4 nội dung. Một là,  xác định lộ trình giảm tỉ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước xuống tới 51% để các ngân hàng thương mại chủ động có kế hoạch cũng như phát tín hiệu đối với thị trường.

Việc nới giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được cân nhắc với lộ trình phù hợp.

Hai là, kiến nghĩ Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện tái cơ cấu nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính và tăng trưởng tín dụng.

Ba là, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai đồng bộ các chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, qua đó góp phần tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thành công.

Cuối cùng, Chủ tịch Vietcombank cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng 1 đến 2 ngân hàng thương mại trụ cột có tầm cỡ khu vực làm trụ cột cho cả hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại. Tạo điều kiện để các ngân hàng tham gia mua, bán, sát nhập với các tổ chức tín dụng có quy mô phù hợp và tình hình hoạt động lành mạnh, tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành riêng lẻ.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Vietcombank đã sẵn sàng cho lộ trình nói trên.

Những kiến nghị trên từ Vietcombank đặt ra trong bối cảnh Chính phủ vừa có chủ trương cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn thời điểm thích hợp để thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất, đặc biệt như tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)…

Trước đó, VietinBank cũng có kiến nghị giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống dưới 51%

Hải Yến