Tại Hội thảo “Phát triển cỏ họ đậu phục vụ chăn nuôi”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, là một nước nông nghiệp nhưng nước ta lại phải nhập khẩu cỏ để phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Trưởng phòng Gia súc lớn – Cục Chăn nuôi cho biết, hiện tổng đàn gia súc ăn cỏ của nước ta khoảng 11 triệu con. Tổng nhu cầu thức ăn thô xanh vào khoảng 150 triệu tấn/năm. Chăn nuôi gia súc nhai lại chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cỏ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp, luôn mất cân đối nguồn cung giữa các mùa, lãng phí phụ phẩm lúc thu hoạch và thiếu thức ăn lúc giáp vụ và mùa đông. Chất lượng cỏ còn rất thấp, giống cỏ trồng hầu hết là cỏ hòa thảo. Cả nước có khoảng 35.681 ha đất cỏ chăn nuôi tự nhiên, nhưng sản lượng rất thấp chỉ đạt 20 tấn cỏ/ha/năm. Diện tích cỏ trồng thâm canh đã tăng rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 48% năm, từ chỉ 4,68 nghìn ha vào năm 2001 đến nay cả nước đã có khoảng 200 nghìn ha đồng cỏ trồng thâm canh. Tuy nhiên, sản lượng chỉ đáp ứng được gần 10% nhu cầu thức ăn thô xanh của các loại gia súc ăn cỏ. Giải quyết nhu cầu thức ăn thô xanh hiện là một thách thức lớn ngành nông nghiệp không thể giải quyết được.

Nước ta đã nhập, chọn lọc và phát triển được 19 giống cây thức ăn xanh, bao gồm 13 giống cỏ hòa thảo và 6 giống cỏ họ đậu. Nhiều loại cỏ hòa thảo trồng ở nước ta đã cho năng suất cao gấp 5-10 lần so với các giống cỏ truyền thống trong nước đạt120-130 tấn/ha/năm. Tuy vậy, những giống cỏ nhập nội chủ yếu là cỏ họ hòa thảo, hàm lượng đạm rất thấp, nên năng suất trong chăn nuôi bò sữa thấp, chất lượng sữa không cao. Chăn nuôi gia súc ăn cỏ cần thiết phải có sự cân đối giữa cỏ nhóm hòa thảo và nhóm cỏ họ đậu. Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2009 nước ta đã nhập khẩu 2.800 tấn cỏ thành phẩm phục vụ chăn nuôi bò sữa. Là một nước nông nghiệp, nhưng nước ta phải nhập khẩu cả ngô và cỏ làm thức ăn chăn nuôi là một nghịch lý. Nhưng việc phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu giàu đạm cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi là việc bất khả kháng, vì những cây có hàm lượng đạm cao thì ta chưa thể trồng được. Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi nhận định, Việt Nam không có thế mạnh trong việc trồng cây họ đậu. Chẳng hạn với cây đậu tương, năng suất ở nước ta chỉ đạt 1 tấn/ha, phải nghiên cứu mãi các giải pháp tăng năng suất mới đưa được lên 1,4-1,7 tấn/ha hiện nay.  Trong khi đó ở các nước châu Mỹ, năng suất trồng đậu tương trung bình là 4,5-5 tấn/ha. Ở ta nhiều năm qua đã trồng thử những loại cỏ họ đậu như Stylo, Alfalfam nhưng đều không thành công. Thúc đẩy trồng cỏ để hạn chế nhập khẩu thức ăn thô xanh là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên nếu giá thành sản xuất cao gấp đôi giá nhập khẩu thì có nên nhất quyết  phải tự trồng. Trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều phải nhập khẩu cỏ thành phẩm Alfalfam đóng bánh. Cả nước có gần 4 triệu ha canh tác lúa mỗi năm cho phế phụ phẩm hầu như toàn bộ rơm rạ đều bị nông dân đốt hết, quá lãng phí.

Chính phủ cần phải xây dựng một chương trình kinh tế xã hội về sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp, ngăn cấm người dân đốt rơm rạ, và phải thúc đẩy chế biến bảo quản rơm rạ thành thức ăn cho đại gia súc.

(TBKTVN)

Nguồn: Vinanet