Thị trường Rằm tháng Giêng sôi động, giá cả ổn định; giá lúa tại Trà Vinh tăng; ngư dân Bạc Liêu trúng mùa ruốc;…

Thị trường Rằm tháng Giêng sôi động, giá cả ổn định

Thị trường thực phẩm ngày Rằm tháng Giêng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn giữ ở mức ổn định so với dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, riêng các mặt hàng như hoa tươi, trái cây, thực phẩm chay phục vụ cho nhu cầu cúng lễ tăng nhẹ so với ngày thường, từ 5-10%.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa... cho thấy, các mặt hàng như vàng mã, xôi chè, đồ chay, trái cây, hoa tươi… đều rất đông khách. Giá hoa tại các chợ như hoa cúc đại đóa có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/chục bông, hoa hồng 40.000 - 50.000 đồng/chục bông; hoa ly 60.000 - 70.000 đồng/cành…

Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng trái cây tăng cao trong ngày rằm nên giá một số loại trái cây tăng nhẹ. Hiện tại, các loại hoa quả đều tăng từ 5-10% so với ngày thường. Cụ thể, mãng cầu ta loại tốt có giá 50.000 đồng/kg, quýt 55.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg, xoài cát dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, thanh long 40.000 đồng/kg...

Giá lúa tại Trà Vinh tăng sau khi mua tạm trữ

Theo Công ty Lương thực tỉnh Trà Vinh, sau 3 ngày triển khai thu mua lúa, gạo tạm trữ, các xí nghiệp chế biến lương thực của Công ty đã mua được trên 1.000 tấn lúa, gạo. Chỉ tính riêng ngày 3/3, Xí nghiệp chế biến lượng thực huyện Cầu Kè đã mua trên 500 tấn lúa, gạo. Với tiến độ này, Công ty lương thực Trà Vinh sẽ hoàn thành chỉ tiêu mua 13.000 tấn gạo sau 20 ngày triển khai mua lúa, gạo tạm trữ.
Giám đốc Xí nghiệp chế biến lương thực huyện Cầu Kè cho biết, sau khi triển khai mua lúa, gạo tạm trữ thì giá lúa, gạo trên địa bàn tỉnh tăng thêm từ 250 - 300 đồng/kg. Cụ thể, lúa tươi được mua tại ruộng từ 4.400 - 4.500 đồng/kg, gạo lức có giá từ 6.350 - 6.450 đồng/kg. Với giá mua này, nông dân đảm bảo có lãi trên 30%.

Vụ lúa Đông Xuân 2014 - 2015, toàn tỉnh Trà Vinh gieo trồng được hơn 68.000 ha, vượt hơn 6% kế hoạch. Đến nay đã thu hoạch được khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Càng Long; năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha.

Sức tiêu thụ thực phẩm chay tăng cao trong tháng Giêng

Khác với không khí bán buôn trầm lắng của nhiều nhà hàng, khách sạn, tại những địa điểm kinh doanh thực phẩm, món chay luôn đông đúc khách hàng ngay từ những ngày đầu năm. Theo nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực này, doanh thu hiện đã tăng gấp đôi và gấp ba lần so với ngày thường, dự đoán sức tiêu thụ tiếp tục tăng cao trong những ngày còn lại của tháng Giêng năm Ất Mùi 2015.

* Thực phẩm chay không "sốt" giá

Vào thời điểm này, tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh gồm Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức, nguồn cung thực phẩm dồi dào nên giá cả các mặt hàng vẫn đảm bảo ổn định, riêng một số mặt hàng có sức mua tăng đột biến thì giá tăng nhẹ so với bình thường. Theo nhiều người tiêu dùng, hàng hóa dồi dào và giá cả ổn định, đặc biệt là ở ngành hàng rau củ, quả, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong mùa chay năm nay.

Trong đó các sản phẩm rau củ, quả, tăng giảm trong biên độ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg, tùy theo loại. Mặt khác, một số sản phẩm có giá tăng cao so với ngày thường nhưng giảm so với thời điểm cận Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 như: dưa leo, nấm rơm; bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc…

Ghi nhận tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, không khí bán buôn khá sôi động, tập trung ở các khu vực kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chay, rau củ, quả… Theo Ban quản lý các chợ, từ thời điểm ra Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 đến nay, ngành hàng rau củ, quả, luôn dẫn đầu doanh số kinh doanh tại chợ. Đồng thời giá ngành hàng này có xu hướng tăng, tuy nhiên dao động trong mức giá người tiêu dùng có thể chấp nhận được như cải xanh là 16.000 đồng/kg, cải ngọt 14.000 đồng/kg, bí đỏ 15.000 đồng/kg, cà rốt 18.000 đồng/kg, bắp cải 10.000 đồng/kg.
Không kém phần sôi động, ngành hàng thực phẩm chay công nghệ, sản phẩm đóng hộp, sản phẩm đông lạnh, cũng bán buôn đắt hàng trong thời điểm này ở nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tập hóa và chợ truyền thống. Đáng chú ý là trong mùa chay năm nay, các mặt hàng sản xuất trong nước và thương hiệu Việt được người tiêu dùng ưa chuộng có thể kể đến Âu Lạc, Cầu Tre, SG Food, Vissan… Bên cạnh việc duy trì sự ổn định về giá cả, các nhà sản xuất trong nước còn đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đã góp phần cung ứng ra thị trường những mặt hàng mới về chủng loại, mùi vị. Người tiêu dùng có thể lựa chọn những sản phẩm chay độc đáo đang kinh doanh phổ biến trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh như chả giò, chả giò rế chay, lẩu chay, bánh xếp, hoành thánh chay… với mức giá dao động từ 23.500 – 30.000 đồng/450gr.

Hà Nội: sau Tết Nguyên đán, giá hàng hóa ổn định

Khác với mọi năm, sau dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Hà Nội ổn định. Tuy nhiên, sức mua lại không cao.

Nguyên nhân được cho rằng, điều kiện kinh tế có sức ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu dùng của nhân dân, sức mua trên thị trường không cao nên giá cả bình ổn. Giá cả tăng cục bộ trong vài ngày giáp Tết và nhanh chóng trở lại mức giá như trước. Hơn nữa, một trong những yếu tố tác động tốt tới giá thị trường hàng hóa là giá xăng dầu đang ở mức thấp.
Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá cả ổn định khiến khả năng mua sắm khá dễ chịu. Nhưng thực tế, tại các chợ truyền thống: chợ Bưởi (quận Tây Hồ), Thành Công (quận Đống Đa), Nghĩa Tân, Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chợ Châu Long (quận Ba Đình), chợ Hôm – Đức Viên (quận Hai Bà Trưng)… tình hình mua bán chưa thực sự sôi động. Thời điểm hiện tại, nhiều gia đình vẫn còn thực phẩm dự trữ Tết. Hàng hóa được lựa chọn mua nhiều là rau xanh. Đối với nhóm thực phẩm tươi sống, lượng hàng có phần ít hơn do nhu cầu sử dụng của người dân giảm sau Tết.

Hiện tại, thịt lợn thăn và sườn thăn có giá 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ và thịt mông 80.000 đồng/kg, nạc vai 90.000 đồng/kg; bò phi lê 270.000 đồng/kg, bắp bò 280.000 đồng/kg, gà sống 110.000 đồng/kg, cá trắm 75.000 đồng/kg, rô phi 60.000 đồng/kg, tôm lớp 250.000 đồng/kg, tôm sú 400.000 đồng/kg… Giá hàng rau xanh ổn định, nguồn hàng nhiều, chất lượng đảm bảo. Cụ thể, rau muống 4.000 đồng/mớ, cải xanh 3.000 đồng/mớ, cải cúc 2.000 đồng/mớ, rau cần 3.000 đồng/mớ, cà chua 10.000 đồng/kg, su hào 2.000 đồng/củ…

Tuy vậy, theo dự báo của nhiều người, sắp tới ngày Rằm tháng Giêng, sức mua trong dân sẽ mạnh do nhu cầu làm cỗ cúng Rằm. Thị trường hàng hóa tại Hà Nội thời gian tiếp sau đó sẽ sôi động hơn và khả năng cung – cầu sẽ dịch chuyển về đúng vị trí như thời điểm trước đó.

Ngư dân Bạc Liêu trúng mùa ruốc

Tại Bạc Liêu, mùa khai thác biển chính đang vào vụ với nhiều sản phẩm tôm, cá. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến thuận lợi nên các đội tàu khai thác đạt năng suất cao. Tuy nhiên, sản lượng khai thác nhiều đã khiến giá sản phẩm biển giảm 20%. Trước thực trạng này, nhiều phuơng tiện đã chuyển sang khai thác con ruốc. Ngư dân từ khu vực biển Nhà Mát (phường Nhà Mát, Tp. Bạc Liêu) kéo dài đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) đang phấn khởi vì trúng mùa ruốc.

So với những mùa vụ trước đây, năm nay, con ruốc xuất hiện với số lượng lớn, trắng, đẹp nên bán được giá cao. Sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân thu lãi bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/chuyến/ngày; có trường hợp lãi hơn 10 triệu đồng/chuyến/ngày.

Phần lớn, lượng ruốc sau khi đánh bắt bà con ngư dân đem phơi để bán ruốc khô bởi ruốc tươi khó tiêu thụ. Giá ruốc khô hiện từ 65.000 - 70.000 đồng/kg và chủ yếu cung cấp cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh và xuất sang Trung Quốc.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet