Tính chung cả năm 2021, chỉ số giá thực phẩm thế giới đạt trung bình 125,7 điểm, tăng 28,1% so với năm 2020.
Chỉ số giá ngũ cốc tháng 12/2021 giảm 0,6% so với tháng 11/2021 do giá xuất khẩu lúa mì giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng sau vụ thu hoạch ở Nam bán cầu tăng; giá ngô ổn định do nhu cầu tăng mạnh và lo ngại về tình trạng khô hạn kéo dài ở miền nam Brazil. Tuy nhiên, trong cả năm 2021, chỉ số giá ngũ cốc đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 và tăng 27,2% so với năm 2020, với giá ngô tăng 44,1%, giá lúa mì tăng 31,3%, nhưng giá gạo giảm 4%.
Chỉ số giá dầu thực vật tháng 12/2021 giảm 3,3%, với giá dầu cọ và dầu hướng dương giảm do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm do ảnh hưởng tác động của dịch COVID-19. Nhìn chung, cả năm 2021, chỉ số giá dầu thực vật đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, tăng 65,8% so với năm 2020.
Chỉ số giá đường tháng 12/2021 giảm 3,1% so với tháng 11/2021, đạt mức thấp nhất trong 5 tháng do những lo ngại về tác động có thể xảy ra của biến thể Omicron COVID-19 đối với nhu cầu toàn cầu cũng như giá trị của đồng Real của Brazil giảm và giá ethanol giảm. Nhìn chung, cả năm 2021, chỉ số giá đường tăng 29,8% so với năm trước lên mức cao nhất kể từ năm 2016.
Chỉ số giá thịt tháng 12/2021 nhìn chung ổn định nhưng tính chung trong cả năm 2021, chỉ số giá thịt tăng 12,7% so với năm 2020.
Chỉ số giá sữa là chỉ số duy nhất tăng trong tháng 12/2021, tăng 1,8% so với tháng 11/2021 do giá bơ và bột sữa thế giới tăng trong bối cảnh sản lượng sữa ở Tây Âu và Australia giảm. Giá pho mát giảm nhẹ. Tính chung cả năm 2021, chỉ số giá sữa trung bình tăng16,9% so với năm 2020. 

Nguồn: Vinanet/VITIC/FAO