Trong đó, chỉ số giá các sản phẩm sữa, dầu thực vật, thịt và ngũ cốc giảm mạnh, trong khi chỉ số giá đường tăng nhẹ.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 8/2023 đạt trung bình 125 điểm, giảm 0,9 điểm (0,7%) so với tháng 7/2023 và giảm 20,6 điểm (14,1%) so với tháng 8/2022. Giá lúa mì thế giới giảm 3,8%, chủ yếu do nguồn cung tăng vì đang vụ thu hoạch ở một số nước xuất khẩu hàng đầu ở Bắc bán cầu. Giá ngũ cốc thô thế giới tháng 8/2023 cũng giảm 3,4%. Giá ngô giảm tháng thứ bảy liên tiếp, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020, do nguồn cung toàn cầu dồi dào từ vụ thu hoạch kỷ lục ở Brazil và bắt đầu vụ thu hoạch ở Mỹ. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá hạt bo bo thế giới giảm trong tháng 8, do bị áp lực bởi vụ thu hoạch bắt đầu ở Mỹ, nước xuất khẩu hạt bo bo lớn nhất thế giới, trong khi giá lúa mạch thế giới tăng nhẹ. Ngược lại, Chỉ số giá gạo toàn cầu trong tháng 8 đã tăng 9,8% so với tháng 7/2023, đạt mức cao kỷ lục trong 15 năm, do sự gián đoạn thương mại sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng Indica của Ấn Độ vào tháng 7. Trong bối cảnh nguồn cung gạo khan hiếm trước vụ thu hoạch vụ mới, và thời hạn của lệnh cấm chưa chắc chắn và lo ngại các loại gạo khác cũng sẽ bị hạn chế xuất khẩu khiến hàng tồn kho tăng tại các nước xuất khẩu, do đó hạn chế hầu hết giao dịch khối lượng nhỏ hoặc số lượng đã ký kết trước đó.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 8/2023 đạt trung bình 125,8 điểm, giảm 4 điểm (3,1%) so với tháng 7/2023 sau khi tăng trong thời gian ngắn trong tháng 7. Nguyên nhân do giá các loại dầu cọ, hướng dương, đậu tương và hạt cải dầu giảm. Giá dầu cọ giảmnhẹ , chủ yếu do lượng nhập khẩu toàn cầu giảm cũng như sản lượng tăng ở các nước sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á. Trong khi đó, giá dầu hướng dương giảm gần 8% so với tháng 7/2023 trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu suy yếu trong khi nguồn cung dồi dào từ các nước xuất khẩu lớn. Giá dầu đậu tương và dầu hạt cải giảm do thu hoạch đậu tương ở Mỹ tăng và nguồn cung có thể xuất khẩu toàn cầu dồi dào.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 8/2023 đạt trung bình 111,3 điểm, giảm 4,6 điểm (4%) so với tháng 7, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ tám liên tiếp và giảm tới 32,1 điểm (22,4%) so với tháng 8/2022. Trong tháng 8, giá tất cả các sản phẩm sữa đều giảm, trong đó giá sữa bột nguyên kem giảm nhiều nhất, do nguồn cung dồi dào, đặc biệt từ Australia trong bối cảnh sản lượng tăng, cùng với tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc chậm lại, mặc dù lượng nhập khẩu vẫn tương đối cao. Giá sữa bột gầy giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020 do nhu cầu nhập khẩu giảm và thị trường ảm đạm do kỳ nghỉ hè ở châu Âu. Hơn nữa, giá bơ và pho mát giảm do các yếu tố tương tự cùng với sản lượng ở Australia ổn định.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 8/2023 đạt trung bình 114,6 điểm, giảm 3,6 điểm (3%) so với tháng 7 và giảm 6,5 điểm (5,4%) so với tháng 8/2022. Giá tất cả các loại thịt đều giảm trong tháng 8, trong đó giá thịt cừu giảm mạnh nhất, chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu tăng đột biến, chủ yếu từ Australia và nhu cầu từ Trung Quốc giảm. Giá thịt lợn giảm, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu từ các nhà nhập khẩu hàng đầu giảm, cùng với nguồn cung xuất khẩu dồi dào ở châu Âu trong bối cảnh tiêu thụ nội địa giảm. Giá thịt gia cầm tiếp tục giảm trong tháng 8, chủ yếu do nguồn cung dồi dào, đặc biệt từ Brazil, bất chấp lượng mua lớn của một số nhà nhập khẩu hàng đầu ở Đông Á và Trung Đông. Giá thịt bò giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào ở một số nước sản xuất hàng đầu và nhu cầu nhập khẩu giảm, đặc biệt là ở Bắc Á.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 8/2023 đạt trung bình 148,2 điểm, tăng 1,9 điểm (1,3%) so với tháng 7 và tăng 37,7 điểm (34,1%) so với tháng 8/2022. Giá đường thế giới tăng chủ yếu do lo ngại về tác động của hiện tượng thời tiết El Niño tới triển vọng sản xuất toàn cầu. Tại Ấn Độ, lượng mưa ít trong tháng 8 gây bất lợi cho sự phát triển của cây mía, trong khi điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài ở Thái Lan dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng đường niên vụ 2023/24. Ở Brazil, mưa đã cản trở hoạt động khai thác ở một số khu vực; tuy nhiên, vụ mùa lớn hiện đang được thu hoạch đã hạn chế áp lực tăng giá đường thế giới. Sự suy yếu của đồng Real Brazil so với đồng đô la Mỹ và giá ethanol giảm cũng góp phần kiềm chế đà tăng của giá đường thế giới.

Nguồn: Vinanet/VITIC/fao.org