Chỉ số giá lương thực FAO, theo dõi giá của các mặt hàng lương thực được giao dịch phổ biến nhất trên thị trường thế giới, đạt trung bình 96,1 điểm trong tháng 8, tăng 2% so với tháng trước và đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Trong đó, Chỉ số giá ngũ cốc tăng 1,9% so với tháng 7, cao hơn trung bình 7% so với tháng 8/2019, trong đó ngũ cốc thô tăng mạnh nhất. Giá lúa miến tăng 8,6% và cao hơn 33,4% so với năm ngoái, chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu mạnh của Trung Quốc. Giá ngô tăng 2,2% trong bối cảnh lo ngại thiệt hại vụ mùa gần đây ở Iowa sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung. Giá gạo cũng tăng nhờ được củng cố bởi tình trạng nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu ngày càng tăng của châu Phi.
Chỉ số giá đường tăng 6,7% so với tháng trước, phản ánh triển vọng sản xuất giảm do điều kiện thời tiết bất lợi ở Liên minh châu Âu và Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, cũng như nhu cầu nhập khẩu mạnh của Trung Quốc.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 5,9%, dẫn đầu là giá dầu cọ, tiếp đến là dầu đậu nành, dầu hướng dương và hạt cải dầu. Biến động này chủ yếu phản ánh sản xuất chậm lai trong tương lai ở các quốc gia sản xuất dầu cọ hàng đầu trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu toàn cầu ổn định.
Chỉ số giá sữa hầu như không thay đổi so với tháng 7, với giá pho mát và sữa bột nguyên kem giảm trong bối cảnh kỳ vọng về nguồn cung xuất khẩu dồi dào ở Châu Đại Dương, trong khi giá bơ tăng do khả năng xuất khẩu ở Châu Âu bị thắt chặt sau đợt nắng nóng tháng 8 làm giảm sản lượng sữa.
Chỉ số giá thịt cũng hầu như không thay đổi kể từ tháng 7, mặc dù giảm 8,9% so với tháng 8/2019 - do nhu cầu nhập khẩu giảm đối với thịt bò, thịt gia cầm và thịt cừu được bù đắp bởi nhu cầu nhập khẩu thịt lợn từ Trung Quốc tăng cao.

Nguồn: mard.gov.vn