Sự thiếu hụt nhân công tăng cường thu hái ở vùng cà phê Tây nguyên đang được chính quyền các địa phương tháo gỡ. Tuy nhiên nhiều người trồng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại khi tiền lương đã bị đẩy lên quá cao.
Theo số liệu báo cáo của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 10/2021 giảm 1,1% so với tháng trước đó, chỉ đạt 1,65 triệu bao. Lũy kế xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay đã giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 21,5 triệu bao.
Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 45, giá cà phê robusta giao tháng 1/2022 tăng 4,4% lên mức 2.277 USD/tấn, đạt mức cao mới trong 10 năm. Giá arabica kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 7,93% lên 219,7 US cent/lb. Giá cà phê arabica tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm do các dấu hiệu cho thấy nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt trong khi các phân tích kỹ thuật đều cho thấy xu hướng tăng giá.
Cho dù các nước sản xuất robusta chính đang tiến hành thu hoạch vụ mùa mới, sẽ hỗ trợ thị trường London giảm bớt mối lo nguồn cung trong ngắn hạn, nhưng tác động tiêu cực của dịch bệnh covid-19 không dễ dàng để sớm khắc phục và vấn đề logistics vẫn còn kéo dài, chi ít là tới nửa sau của năm 2022.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Nguyễn Quang Bình nhận định, những tin thông thường như Brazil mất mùa, khủng hoảng logistics và chuỗi cung ứng, tâm lý lo ngại hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina phía trước… đã quá nhàm nên hầu như không còn ảnh hưởng mấy lên giá các sàn hàng hóa thương phẩm cà phê. Tuy nhiên, sức đẩy giá lên vừa qua trên sàn có các yếu tố nội tại của các sàn cà phê mà nếu không để ý, có thể người tham gia bị các thông tin về cung cầu dẫn dắt để đi đến những quyết định thiếu chuẩn xác về sau.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9/2021 đạt 10,07 triệu bao, giảm hơn 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu trong cả vụ 2020/21 tăng 1,23% so với vụ trước, đạt 128,93 triệu bao, trong đó nguồn cung Brazil chiếm tới 32,54% tổng khối lượng xuất khẩu.