Hợp đồng dầu cọ giao tháng 3 trên sàn Bursa Malaysia tăng 123 ringgit, tương đương 2,5% đạt 5.037 ringgit (1.201,57 USD)/tấn. Giá dầu cọ ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp lên mức cao nhất kể từ ngày 03/11/2021.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 1,2%, giá dầu cọ tăng 1,8%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 1,3%.
Dự trữ dầu cọ của Malaysia vào cuối tháng 12/2021 có khả năng giảm 4,9% so với tháng trước đó xuống còn 1,73 triệu tấn, mức thấp nhất trong 5 tháng, theo một cuộc khảo sát của Reuters.
Sản lượng dầu cọ được dự báo giảm 86% xuống 1,49 triệu tấn do ảnh hưởng của lũ lụt, trong khi xuất khẩu cũng giảm 4,9% xuống 1,4 triệu tấn.
Refinitiv Commodities Research đã hạ dự báo sản lượng dầu cọ vụ 2021/22 của hai nhà sản xuất hàng đầu Indonesia và Malaysia ít hơn 1% so với lần dự báo cuối cùng do rủi ro lũ lụt ở hai nước này.
Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Malaysia cho biết có 7 bang ở nước này bị lũ lụt và hàng nghìn người đã phải sơ tán.
Cũng theo Reuters, tình trạng thiếu lao động ở Malaysia, sự phát triển mạnh mẽ của biến thể Delta/Omicron của Covid-19, việc tăng sản lượng đậu tương ở Nam Mỹ cũng như những lo ngại về thời tiết bất lợi gây ra bởi La Nina trên khắp Đông Nam Á đến Nam Mỹ là những tác nhân chính ảnh hưởng đến sản lượng dầu cọ.
Malaysia có kế hoạch triển khai chương trình nhiên liệu sinh học dầu cọ B20 trên toàn quốc vào cuối năm 2022, Hội đồng dầu cọ Malaysia cho biết.
Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters