Xuất khẩu giảm cả lượng và trị giá
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, XK hạt điều đạt 202,9 nghìn tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 5/2022, giá XK bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.105 USD/tấn, tăng 2,4% so với tháng 4/2022, nhưng giảm 0,6% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá XK bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.992 USD/tấn, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas):
Tình hình XK năm 2022 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19. Ngoài ra, giá nhân điều XK không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô; các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá XK.

 

Nhìn từ góc độ DN, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 phân tích: nửa đầu năm nay, sức mua chậm hơn những năm trước. Lý do là trong năm 2021, nhiều khách hàng ở các thị trường lớn đã tăng mua dự trữ do lo ngại dịch Covid-19 dẫn đến lượng tồn kho kéo dài sang năm nay. Ngoài ra, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm thứ yếu trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng đã khiến sức tiêu thụ hạt điều sụt giảm.
Ông Huyên đặc biệt nhấn mạnh, trong khâu chế biến các DN đang gặp nhiều vấn đề về giá điều thô nguyên liệu tăng cao so với năm trước. Ngoài ra, chi phí xăng dầu, vận chuyển liên tục tăng trong khi giá điều nhân XK không tăng là điều khiến các DN khá “đau đầu”. Tại thủ phủ chế biến điều Bình Phước, nhiều nhà máy chế biến nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất để cắt lỗ. Trong khi đó, các nhà máy lớn cũng giảm công suất, chế biến cầm chừng.
Nhìn nhận về “bức tranh” tổng thể của ngành điều trong nửa đầu năm nay, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phân tích, những diễn biến tình hình thế giới như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng lớn đến XK hạt điều của Việt Nam. Năm 2021, Nga là thị trường xếp thứ 11 trong tổng số 104 thị trường XK nhân điều Việt Nam với trị giá XK gần 62 triệu USD. Từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) nên việc XK hạt điều vào Nga gặp khó khăn khâu thanh toán.
Bên cạnh vấn đề lạm phát tại Mỹ, EU khiến người dân thắt chặt “hầu bao”, ông Trần Văn Hiệp cũng đề cập tới góc độ tại thị trường lớn khác của hạt điều Việt Nam là Trung Quốc hiện vẫn duy trì chính sách “Zero-Covid”. Điều này khiến XK nhân điều cũng như các nông sản khác tiếp tục gặp bất lợi.
Hạ mục tiêu xuất khẩu
Năm 2022, theo kế hoạch Bộ NN&PTNT đề ra cho ngành điều, mục tiêu XK xây dựng là 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Vinacas vừa kiến nghị điều chỉnh hạ trị giá XK cả năm xuống 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021.
Thời gian tới, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường XK, Vinacas đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ cập nhật, hướng dẫn thực hiện quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ… “Ở góc độ thị trường tiêu thụ, DN ngành điều mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ DN điều tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng, các rủi ro thương mại cũng như cách ứng phó hiệu quả”, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhấn mạnh.
Với Bộ NN&PTNT, Vinacas kiến nghị tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng; cần đánh giá, quy hoạch ổn định lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích điều trong nước, cần có giải pháp hợp tác khai thác và phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, XK.
Nhấn mạnh vào góc độ kết nối thông tin giữa các khâu trong chuỗi giá trị ngành điều, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết: ngành điều có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Bình Phước khi chiếm 1/3 tổng kim ngạch XK hàng năm. Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030 phải nâng cao tỷ lệ cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại; chế biến sâu nhân điều đạt khoảng 1/3 sản lượng; tổng kim ngạch XK đạt bình quân 1 tỷ USD/năm.
“Để nâng cao kim ngạch XK, cả người trồng điều lẫn DN đều cần tiếp tục thay đổi, phát huy hiệu quả mối liên kết giữa nhà sản xuất với nhà nông và kênh tiêu thụ. Hội Điều Bình Phước đang xây dựng dữ liệu thông tin và dự báo thị trường điều để cung cấp cho người trồng điều và các DN”, ông Sơn thông tin thêm.
 

Nguồn: Haiquanonline