Trong những năm gần đây, Bờ Biển Ngà – nước sản xuất cacao lớn nhất thế giới, đã trở thành nước trồng điều hàng đầu với sản lượng khoảng 1 triệu tấn mỗi năm. Quốc gia này chỉ sử dụng khoảng 10% sản lượng và xuất khẩu phần nguyên liệu thô còn lại.
Chính phủ nước này từ nhiều năm nay đã cố gắng tăng tỷ lệ chế biến điều trong nước, nhưng các nhà sản xuất của Bờ Biển Ngà không có đủ kinh phí để cạnh tranh với các công ty sản xuất điều thô của Châu Á.
“Chúng tôi gửi bức thư này để thông báo với các nhà sản xuất rằng không thể thực hiện được kế hoạch ”, bức thư được ký bởi Constance Kouame, tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hạt điều Bờ Biển Ngà, gửi tới chính phủ hôm thứ Ba (15/03).
“Mùa chế biến đã bắt đầu một tháng trước và các nhà máy của chúng tôi vẫn tiếp tục bỏ không do thiếu kế hoạch hỗ trợ,” bà cho biết thêm.
Tám trong số hai mươi công ty sản xuất của Bờ Biển Ngà đã phá sản trong hai năm qua. Còn những công ty khác đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ.
Theo tổng giám đốc của một trong các công ty sản xuất này, một thỏa thuận đã được đưa ra nhằm giúp các nhà sản xuất của Bờ Biển Ngà có thể mua hạt điều thô từ các nhóm được tài trợ bởi Ủy ban tiêu thụ của Hội đồng Bông và Hạt Điều (CCA) với giá trợ cấp là 305 CFA franc (0,51 USD)/kg.
Nhưng thay vào đó, những nhóm này đang bán tất cả nguyên liệu thô của họ cho các nhà nhập khẩu châu Á với giá cao hơn. Giá hạt điều thô hiện đang giao dịch ở mức 420-430 CFA franc/kg
Ban lãnh đạo cho biết sẽ tổ chức các cuộc thảo luận nội bộ để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng và sửa đổi kế hoạch viện trợ.
Các nguồn tin chính phủ trước đây cho biết kế hoạch viện trợ, kết hợp với các sáng kiến của nhà sản xuất tư nhân, sẽ giúp thúc đẩy tỷ lệ chế biến trong nước của quốc gia này lên 50% vào năm 2025 hoặc 2026 để có thể cạnh tranh với Việt Nam - nhà chế biến hạt điều lớn nhất thế giới.
(1 USD = 603,0500 Franc CFA)
 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)