Đầu năm, giá cà phê chỉ neo ở mức 70.000 đồng một kg nhưng tới nay đã tăng 63% lên 114.000 đồng. Mức này gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước tới nay.
Tương tự, sầu riêng, ca cao cũng lập kỷ lục giá mới trong quý I với mức tăng gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, sầu riêng trong tháng 3 đã có thời điểm tăng lên 230.000 đồng một kg với hàng Monthong, sau đó quay đầu hạ nhiệt do vào chính vụ. Với ca cao, giá mỗi kg quả tươi đang được mua là 7.000-8.000 đồng một kg, tăng 60% so với cùng kỳ 2023.
Trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng này đang tăng cao chưa từng có. Trong đó, cà phê Robusta trên sàn London đã đắt thêm gần 1.000 USD một tấn từ đầu năm đến nay lên 4.003 USD trong phiên giao dịch 16/4 cho kỳ hạn giao tháng 5. Giá cà phê Arabica New York lên 5.100 USD một tấn - cao kỷ lục. Hiện giá ca cao, tiêu trên thị trường thế giới cũng đã tăng 30-40%.
Theo nông dân các địa phương, xuất khẩu tăng vọt đẩy giá các nông sản liên tục lập đỉnh giúp họ có lãi cao. Mỗi ha, người dân có lãi 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng (tùy loại nông sản). Trong đó, sầu riêng và cà phê mang lại lãi cao nhất khi giá liên tục lập đỉnh mới trong nửa đầu năm.
"Năm nay, mỗi ha cà phê của gia đình tôi cho thu hoạch 6 tấn nhân. Với mức giá tốt như thời gian qua, tôi thu lãi khoảng 400 triệu đồng", chị Loan ở Gia Lai cho hay.
Ông Hoàng Anh Tuấn - thương lái chuyên thu mua nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên - cho biết 2023-2024 là năm nông dân trồng cà phê, sầu riêng đạt lãi cao nhất. 5 năm trước, những tháng đầu năm, nhiều nông sản thường rớt giá nhưng nay ngược dòng tăng đột biến.
"Cà phê, sầu riêng, ca cao tăng liên tục trong quý I và vượt hoàn toàn mọi dự báo của cơ quan chuyên ngành", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cũng cho rằng cơn sốt giá nông sản năm nay khác với mọi năm. Nếu năm ngoái, hàng vào chính vụ giá sẽ quay đầu giảm, còn nay thì không. Nguyên nhân là do bắt đầu từ niên vụ 2022-2023, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Tình trạng thiếu hụt tiếp tục kéo dài đến hiện nay và xảy ra ở nhiều nước sản xuất cà phê khác khiến giá tăng phi mã và chưa có điểm dừng.
Thống kê từ Cục trồng trọt cũng cho thấy, diện tích trồng cà phê, ca cao Việt đang dần bị thu hẹp do nhiều năm cà phê rớt giá. Số liệu thu thập đến hết năm 2022, Việt Nam có 656.000 ha cà phê, trong đó diện tích già cỗi tăng cao. So với 2019, diện tích cà phê năm 2022 đã giảm 5%. Với ca cao, tính đến 2022, cả nước có 3.481 ha, trong khi trước đó năm 2013 là 10.000 ha. Tương tự, diện tích tiêu của Việt Nam cũng đã thu hẹp dần từ 4 năm nay. Nhiều bà con ở các vùng Tây Nguyên, miền tây đã chặt bớt ca cao, cà phê, tiêu để chuyển đổi sang trồng sầu riêng và các cây trồng khác.
Ngoài thu hẹp diện tích, theo ông Hải, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê, ca cao, tiêu toàn cầu. Xung đột địa chính trị, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ khiến giá các nông sản này ngày càng đắt đỏ.
Với sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng trong tháng 3, nguồn cung sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc ở thế "một mình một chợ" nên giá tăng cao. Giá trái vụ năm nay đạt lỷ lục mới vì hạn hán gây mất mùa, giảm sản lượng.
Theo các hiệp hội, xu hướng giá các loại nông sản trên sẽ tiếp tục duy trì mức cao vì nhu cầu trên thị trường thế giới lớn, trong khi cung trong nước và toàn cầu đồng loạt giảm. Khủng hoảng Biển đỏ, giá dầu tăng có thể khiến nhiều nông sản tiếp tục lập đỉnh mới và phá vỡ mọi kế hoạch đặt ra đầu năm.
Với mặt hàng sầu riêng, hàng sắp rộ vụ từ tháng 5 nên giá sẽ quay đầu giảm nhưng cũng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, nếu Việt Nam sớm được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục có nhiều bứt phá.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho rằng xu hướng tăng giá sẽ còn duy trì khi tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trong mùa hè năm nay. Hiện, tỉnh này đã chỉ đạo công ty thủy lợi, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch điều tiết nước cho cây trồng, nhất là những vùng trồng cây chủ lực, đang có giá cao.