Nếu kế hoạch được thực hiện, mức tiêu thụ biodiesel có thể tăng lên 16 triệu kilolit vào năm tới. Nhà phân tích cấp cao David Mielke của Oil World cho biết, động thái này sẽ liên quan đến việc sử dụng thêm 1,5 - 1,7 triệu tấn dầu cọ, khiến lượng dầu cọ xuất khẩu thấp hơn. Trong tinh hình không có đủ dầu, Indonesia tăng hạn ngạch thêm 5% sẽ khiến nguồn cung dầu cọ toàn cầu càng thắt chặt.
Trong những năm gần đây, nguồn cung dầu cọ toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi sản lượng thấp hơn ở hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Indonesia và Malaysia, do tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng khi đại dịch xảy ra, cùng thời tiết không thuận lợi.
Sản lượng dầu cọ được dự kiến sẽ tăng 2,3 triệu tấn trong vụ 2024/25 so với vụ trước, với giá dầu đậu tương cạnh tranh dự kiến sẽ cao hơn giá dầu cọ chậm nhất là vào tháng 6/2025.
Giám đốc điều hành của Glenauk Economics, Julian McGill, cho biết giá dầu cọ có khả năng sẽ giao dịch ở mức khoảng 4.000 ringgit (933,49 USD)/tấn vào năm 2025. Giá dầu cọ thô chuẩn của Malaysia FCPOc3 hiện đang giao dịch ở mức cao nhất 6 tháng. Giá đã giao dịch ở mức trung bình 3.976,50 ringgit/tấn tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2024. Indonesia tăng giá tham chiếu dầu cọ thô (CPO) tháng 10/2024 lên mức 893,64 USD/tấn từ mức 839,53 USD/tấn của tháng 9/2024. Mức giá mới sẽ đưa thuế xuất khẩu tháng 10/2024 lên 74 USD/tấn. Indonesia cũng áp dụng mức thuế 7,5% đối với giá tham chiếu cho xuất khẩu dầu cọ thô, trong khi mức thuế đối với các sản phẩm dầu cọ tinh chế được tính ở mức từ 3 – 6% giá tham chiếu.
Sản lượng dầu cọ của Malaysia được ước tính đạt 19,4 triệu tấn vào năm 2024, tăng so với 18,55 triệu tấn vào năm 2023. Trong khi đó, sản lượng ở Indonesia có khả năng thấp hơn 1 triệu tấn so với mức 54,84 triệu tấn được sản xuất vào năm 2023.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà tuyển dụng Indonesia (Apindo), nếu không có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-EU (CEPA), Indonesia có thể mất 1,6 tỷ USD xuất khẩu sang EU.
Hiệp hội doanh nghiệp Indonesia cho biết, nước này có thể sẽ mất hàng tỷ USD giá trị xuất khẩu nếu không thể hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-EU (CEPA) dự kiến sẽ nới lỏng các hạn chế thương mại. Các cuộc đàm phán đã diễn ra từ năm 2016 đến nay. Indonesia hy vọng sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán sớm nhất có thể. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã rất chật vật để theo kịp các yêu cầu ngày càng cao của EU. Cũng có khả năng các cuộc đàm phán có thể sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto bắt đầu vào tháng 10 này.
Trao đổi với báo giới ngày 27/9/2024, Chủ tịch Hiệp hội các nhà tuyển dụng Indonesia (Apindo), Shinta Kamdani cho biết, việc thiếu Hiệp định thương mại có thể ảnh hưởng đến sức thu hút của hàng hoá Indonesia trên thị trường châu Âu. Nếu không có CEPA Indonesia-EU, Indonesia có thể mất 1,6 tỷ USD xuất khẩu sang EU. Khoản lỗ thương mại này tương đương với khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang EU. Về lâu dài, Indonesia thậm chí có thể không duy trì được thặng dư thương mại với EU.
Bà Shinta lo ngại rằng việc chậm trễ ký kết hiệp định có thể ảnh hưởng đến các ngành thâm dụng lao động của Indonesia, bao gồm ngành dệt may đang bị đào thải. Các doanh nghiệp may mặc và giày dép của Indonesia cũng có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng hoá Việt Nam. Những ngành công nghiệp này đang gặp khó khăn khi nhu cầu xuất khẩu giảm. Họ phải cạnh tranh với các sản phẩm từ các quốc gia khác.
Trước đó, ngày 26/9, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Zulkifli Hasan quan ngại rằng các cuộc đàm phán có thể trở nên khó khăn hơn dưới thời chính phủ của Tân Tổng thống Prabowo. Prabowo được cho là có kế hoạch áp dụng lệnh sản xuất biodiesel pha dầu cọ B50 sau khi ông nhậm chức.
Tuy nhiên, Umar Hadi, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Indonesia cho rằng hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán. Quá trình đàm phán bị chậm trễ do Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm những điều khoản phù hợp, mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như giúp các sản phẩm của Indonesia cạnh tranh hơn ở châu Âu.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy, thương mại Indonesia – EU đạt 30,77 tỷ USD trong suốt năm 2023. Vào thời điểm đó, Indonesia đã hưởng thặng dư 2,5 tỷ USD. Điều này tiếp tục mở rộng xu hướng cán cân thương mại tích cực trong thương mại Indonesia – EU suốt 5 năm qua, với tổng thặng dư khoảng 23,95 tỷ USD.
B50 đề cập đến chính sách tăng tỷ lệ pha trộn dầu cọ trong biodiesel của Indonesia lên 50%. Tỷ lệ pha trộn dầu cọ càng cao thì khả năng Indonesia phân bổ dầu cọ thô (CPO) xuất khẩu sang châu Âu cho chương trình B50 càng cao - do đó có khả năng tạo ra một trở ngại khác cho các cuộc đàm phán CEPA.