Nhưng ở Sóc Trăng, giá lúa tăng so với tuần trước như: Đài thơm 8 ở mức 8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; RVT là 8.100 đồng/kg, cũng tăng 100 đồng/kg; OM 5451 tăng 200 đồng/kg, lên mức 7.800 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang cũng có sự gia tăng ở một số loại như: IR 50404 ở mức 7.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; Jasmine ở mức 7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; riêng OC10 vẫn ở mức 6.800 đồng/kg.
Giá lúa tại Kiên Giang đi ngang ở nhiều loại, như IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; thì OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine cũng vẫn ở mức 7.000 đồng/kg.
Giá lúa ST tại Bến Tre ở mức 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.200 đồng/kg.
Giá lúa ở Hậu Giang vẫn ổn định như: IR 50404 lên 7.400 đồng/kg, RVT là 8.400 đồng/kg, OM 18 là 7.700 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 từ 6.900 - 7.100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.500 - 6.700 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 là từ 6.700 - 6.800 đồng/kg; riêng IR 50404 tăng 200 đồng/kg, từ 6.600 - 6.900 đồng/kg.
Nếp khô tại An Giang có giá từ 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô từ 7.700 - 7.900 đồng/kg.
Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất lúa gạo, Đồng Tháp đã có trên 44.400 ha, chiếm tỷ lệ 21% tổng diện tích sản xuất. Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đa số các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Vinarice, Hiếu Nhân, Tân Tiến Phúc, Tập đoàn Lộc Trời…
Vụ Hè Thu năm 2023, toàn tỉnh An Giang xuống giống 228.900 ha; trong đó, có 14 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các hợp tác xã và nông dân với diện tích trên 145.000 ha, chiếm hơn 63% diện tích xuống giống. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 26.275 ha, đạt 11,48% diện tích xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 5,84 tấn/ha.
An Giang nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng; trong đó, vận động nông dân trồng giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18, Jasmine...
Trong khi giá lúa thị trường trong nước vẫn đi lên thì trên thị trường gạo châu Á, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo, một động thái có thể đẩy giá gạo lên cao hơn, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino đang quay trở lại. 
Theo các thương lái, hiện nay lượng gạo về ít, giá gạo xô có xu hướng tăng nhẹ. Gạo trắng vững gái, nhu cầu mua nhiều. Thị trường lúa Hè thu tiếp tục neo cao, giao dịch mới nhiều.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định so với phiên trước đó. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 513 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 493 USD/tấn và gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu tăng vọt do nguồn cung bị ảnh hưởng. Các quốc gia lo sợ hạn hán nên mua gạo tích trữ.

Nguồn: VITIC/Baocongthuong/TTXVN