Với công suất sản xuất các loại phân bón quan trọng như đạm ure, NPK và phân bón chứa lân của các nhà máy trong nước đều vượt nhu cầu tiêu thụ, nguồn cung phân bón trong nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ Đông Xuân 2022-2023 được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giá phân bón vẫn neo ở mức cao cho dù đã hạ nhiệt so với năm ngoái.
*Giá phân bón vẫn sẽ ở mức cao
Theo ông Phùng Hà, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón năm 2021-2022 đã tăng phi mã trong vòng 50 năm lại đây. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón như trước đó, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới đã dồi dào nên giá phân bón cũng bắt đầu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, với đặc thù giá gas và giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất phân bón, trong đó giá gas chiếm tới khoảng 80-90% giá thành sản xuất amoniac-đầu vào quan trọng để sản xuất phân đạm ure, DAP nên giá phân bón trong những tháng tới đây vẫn biến động khó lường.
Ông Hà cho biết, hiện nhiều chuyên gia phân bón và tài chính thế giới đều dự báo, giá phân bón đang giảm nhưng khả năng vẫn neo ở mức cao và hoàn toàn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới cũng như diễn biến của cuộc chiến Nga-Ukraine.
Về cung phân bón cho vụ Đông Xuân 2022-2023, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Với phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, công suất sản xuất trong nước cũng vượt xa nhu cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA), thị trường phân bón thế giới có thể diễn biến theo 3 kịch bản. Cụ thể, ở kịch bản bi quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với mức năm 2020.
Ở kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026. Ở kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026. Tuy nhiên, ở cả ba kịch bản này, rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023.
Ông Phùng Hà-Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
*Doanh nghiệp nỗ lực ghìm giá phân bón
Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, để đảm bảo nguồn cung và giá phân bón hợp lý tới tay nông dân, ngay từ trước Tết âm lịch, doanh nghiệp đã chuẩn bị những lô nguyên liệu rất lớn cho sản xuất như SA, lưu huỳnh, kali. Theo đó, lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón của Supe Lâm Thao đủ cho ít nhất 3 tháng và với giá nhập về hợp lý nhất.
Với sự chuẩn bị nguyên liệu như thế, Supe Lâm Thao sẽ đáp ứng đầy đủ nguồn cung cho cái sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Hiện nay kho hàng của Supe Lâm Thao luôn có trên 30.000 tấn phân bón các loại, cộng thêm sản lượng sản xuất gần 2.000 tấn phân bón/ngày, sẵn sàng xuất bán nên không thiếu chân hàng cho vụ Đông Xuân 2022-2023, ông Hồng khẳng định.
Cũng theo ông Hồng, hiện các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Supe Lâm Thao như ure, kali hay SA trên thị trường đều có giá thấp hơn năm ngoái, trong đó ure chỉ khoảng 11.000 đồng/kg so với mức 14-15.000 đồng/kg vào năm ngoái. Để giữ giá phân bón hợp lý tới tay nông dân, Supe Lâm Thao đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu SA giá tốt từ Trung Đông, Châu Phi và ure từ các nhà máy trong nước.
Với các nỗ lực này, giá phân bón bán ra thị trường của Supe Lâm Thao được giữ ổn định so với quý IV/2022. Thực tế từ quý II năm ngoái, Supe Lâm Thao đã không tăng giá bán phân bón bán ra tương ứng cho dù giá nguyên liệu đầu vào tăng rất mạnh.
Đặc biệt, để giữ giá phân bón hợp lý đến tay nông dân, Supe Lâm Thao đang nỗ lực giảm giá vận chuyển phân bón trong bối cảnh giá xăng dầu, chi phí bốc vác tăng.
Theo đó, công ty đã đa dạng hình thức vận chuyển phân bón, trong đó chuyển sang sử dụng các phương tiện vận chuyển rẻ hơn như vận chuyển bằng đường sắt hoặc đường thuỷ, đường sông thay vì chỉ vận chuyển bằng đường bộ như trước đây.
Thêm vào đó, công ty cũng tính toán hợp lý để vận chuyển hàng hai chiều, từ đó giúp giảm tối đa chi phí vận chuyển phân bón, ông Hồng cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã rau củ quả sạch Mạnh Liên. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
*Sử dụng phân bón tiết kiệm hiệu quả
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã rau củ quả sạch Mạnh Liên (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, hợp tác xã Mạnh Liên đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động trong quá trình trồng rau củ quả sạch.
Để sử dụng quy trình tưới tự động này, trước kia, hợp tác xã phải sử dụng phân bón hàm lượng cao nhập khẩu của Israel. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, hợp tác xã đã đổi sang sử dụng phân bón lân vi sinh thế hệ mới của Supe Lâm Thao vào sản xuất nông sản.
Với việc chuyển đổi này, doanh nghiệp giảm được 50% chi phí phân bón so với việc sử dụng phân bón nhập khẩu từ Israel trước đây. Thêm vào đó, cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh và năng suất chất lượng cao. Hiện 3 dòng sản phẩm chủ lực của hợp tác xã gồm dưa leo, ổi, dưa lê đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao.
Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với thực tế là chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất nông sản nên việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào.
Hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến, gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp./.