Trong công văn số 7672/BTC-CST về hồ sơ xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, Bộ Tài chính cho biết từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính như ngô, lúa mì liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30-35%.
Việc tăng giá nguyên liệu chủ yếu do dịch Covid-19 tác động tới logistics toàn cầu kéo theo việc tăng giá mạnh cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa. Bên cạnh đó, do sản xuất đang hồi phục ở nhiều quốc gia, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản gần đây đã tăng kỷ lục. Trong khi đó, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.
Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm 80 - 85% giá thành sản xuất. Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn trong khi nhu cầu lên tới 27 triệu tấn các loại. Do đó, Việt Nam nhập khẩu khoảng 70 - 80% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhất là các mặt hàng như ngô, lúa mì, đỗ tương.
Giá nguyên liệu tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong quý I tăng so với quý IV/2020 và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, khoảng 45-50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70-75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm trong quý IV.
Để góp phần giảm giá thành đầu vào sản xuất trong nước với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và góp phần bình ổn giá trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN của mặt hàng lúa mì và ngô.
Đối với mặt hàng lúa mì, mã HS 1001.99.99, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN từ 3% xuống 0%.
Đối với mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN từ 5% xuống 3%.
Đối với sản xuất trong nước, việc giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô nhìn chung sẽ không tác động lớn đến ngành nông nghiệp trong nước. Nguyên nhân Việt Nam chưa trồng được lúa mì và mặt hàng ngô trồng trong nước cơ bản cũng chỉ phục vụ cho người.
Trong khi đó, bên cạnh góp phần bình ổn giá, giảm giá thành đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với ngô còn góp phần giảm giá cho ngành sản xuất khác như bánh kẹo, thực phẩm. Qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các ngành này vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao hiện nay và góp phần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Nguồn: ndh.vn