Bộ Công Thương đề xuất mở thêm cửa khẩu xuất trái cây sang Trung Quốc
Thông tin từ vietnambiz.vn, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có cuộc điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) Lộc Tâm Xã. Tại buổi hội đàm Bộ Công thương đề xuất bổ sung các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền và các tuyến vận tải đường sắt với Trung Quốc.
"Sớm bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, cũng như qua các tuyến vận tải đường sắt, sớm đưa Lối thông quan cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Trung Quốc) vào hoạt động chính thức.
Đồng thời mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại Cửa khẩu đường sắt Bằng Tường và đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lí mở cửa thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và các loại nông sản khác gồm sản phẩm tổ yến, khoai lang cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc', Bộ trưởng đề nghị.
Theo đó, với những đề xuất của Việt Nam phía Quảng Tây sẽ cân nhắc việc bổ sung nhân lực, mở rộng kho bãi, phân luồng hàng hóa nhằm giảm sức ép cho thông quan trên nguyên tắc đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Sản lượng thịt heo năm 2020 dự báo tăng gần 9% nhưng giá heo vẫn không giảm
Theo vietnambiz.vn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sản lượng thịt các loại có thể đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 64 - 67%.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày đầu tháng 3/2020, giá heo hơi trên cả nước có xu hướng tăng trở lại, giá tăng từ 8.000 - 12.000 đồng/kg so với cuối tháng 2/2020. Cụ thể tại miền Bắc giá heo hơi dao động trong khoảng từ 83.000 - 92.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung giao dịch trong khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg; tại các tỉnh thành phía Nam dao động quanh mức từ 75.000 - 85.000 đồng/kg.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD), với qui mô đàn heo nái hiện nay, sản lượng thịt heo năm 2020 có thể đạt 3,9 triệu tấn.
Tuy nhiên, nếu qui mô đàn heo nái giảm 10%, tương đương xấp xỉ 590.000 con, sản lượng thịt heo sẽ giảm 20%, xuống còn 3,1 triệu tấn; việc giảm 20% đàn heo nái sẽ dẫn đến giảm 35% sản lượng thịt heo, xuống còn 2,5 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại có thể đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 64 - 67%, tăng 8,8% so với năm 2019.
Nhu cầu nội địa tăng vọt vì Covid-19 lây lan kéo giá gạo xuất khẩu tăng
Theo vietnambiz.vn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên cao nhất hơn một năm nhờ nhu cầu trong nước khi virus corona bùng phát. Trong khi đó, tình trạng hạn hán tại Thái Lan tiếp tục dấy lên lo ngại về thiếu nguồn cung và kéo giá xuất khẩu vượt đỉnh 6 năm rưỡi trong tuần này.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ 390 - 400 USD/tấn trong tuần trước lên 400 - 405 USD/tấn vào thứ Năm (12/3), mức cao nhất kể từ tháng 11/ 2018. Theo một thương nhân tại TP HCM, nhu cầu trong nước đã tăng mạnh trong tuần qua khi các gia đình đổ xô đi mua gạo về dự trữ vì dự đoán virus corona mới sẽ tiếp tục lây lan. "Việc tích trữ khối lượng lớn này đã buộc các nhà xuất khẩu tăng giá do nguồn cung khan hiếm", thương nhân này cho biết.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay đã tăng 31,7% so với một năm trước đó lên 928.798 tấn, theo dữ liệu hải quan công bố hôm thứ 11/3.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 470 - 495 USD/tấn hôm 12/3, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013, tăng 10 - 28 USD/tấn so với mức 460 - 467 của tuần trước.
Xuất khẩu gạo năm 2020 dự báo sẽ là điểm sáng giữa đại dịch COVID-19
Theo vietnambiz.vn, trong năm 2020 xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan dù bối cảnh dịch COVID-19 đang khiến nhiều ngành hàng tỉ đô lâm vào cảnh khó khăn.
Gạo có lẽ là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kì năm 2019.
Cụ thể số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị và lượng tăng 15% so với cùng kì năm ngoái.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị. Điều này được xem có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch COVID-19.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 31% thị phần. Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Mozambique, Angola…
Đáng chú ý giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.
Tôm hùm lại không bán được
Vietnambiz.vn đưa tin, toàn tỉnh Khánh Hòa còn khoảng 360 tấn tôm hùm thịt chưa xuất bán được. Trong đó, tại TP Cam Ranh khoảng 350 tấn và huyện Vạn Ninh 10 tấn, chủ yếu tôm hùm xanh. Tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh, một trong những địa phương nuôi tôm hùm xanh nhiều nhất ở Khánh Hòa, hiện có khoảng 1.100 hộ nuôi, với số lượng gần 10.000 lồng.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch xã Cam Bình, cho biết, toàn xã còn khoảng trên dưới 80 tấn tôm thịt. Tiêu thụ rất chậm, mỗi ngày thương lái thu mua chỉ dao động từ 1 - 2 tấn, giá rất thấp. Về giá tôm hùm xanh thương phẩm, theo người nuôi ở xã Cam Bình, loại 3 - 4 con/kg khoảng 520 - 530 ngàn đ/kg.
Vì thời gian qua tôm nuôi của người dân cứ lai rai hao hụt. Nguyên nhân, một phần do giá tôm thấp, người nuôi cung cấp thức ăn không đủ, nên sức đề kháng con tôm yếu. Mặt khác, do thu mua lựa bắt tôm loại 1, loại bỏ tôm loại 2 - 3 thả xuống nuôi lại nên cũng bị ảnh hưởng.

Nguồn: VITIC