Trên thị trường thế giới, giá robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn London giảm 0,7% chốt ở 4.583 USD/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục 4.681 USD/tấn vào tuần trước. Giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 2,7% ở mức 242,15 US cent/lb, trượt xa mức cao nhất 2,5 năm hồi tuần trước ở 255,3 US cent/lb.
Các thông tin nổi bật:
- Lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil cùng xuất khẩu chậm lại từ Việt Nam đã góp phần thúc đẩy giá tăng trong thời gian gần đây.
- Lượng cà phê tồn kho của các nhà sản xuất đã giảm trong vài năm qua, do đó để đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các thị trường khác, đòi hỏi vụ mùa của Brazil phải bội thu trong năm nay. Thị trường đang lo ngại sản lượng tại quốc gia trồng arabica hàng đầu thế giới này năm nay sẽ tiếp tục suy yếu, làm tăng thêm căng thẳng nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
- Các cảng chính của Brazil tiếp tục báo cáo về tình trạng hạn chế số lượng container và tàu cũng như các thay đổi về tuyến đường vận chuyển dẫn đến sự chậm chễ trong giao hàng.
- Cà phê arabica có thể phải đối mặt với sự biến động khi mùa đông bắt đầu ở quốc gia Nam Mỹ này khi các thương nhân theo dõi những dấu hiệu về tình hình sương giá có thể xảy ra.
- Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ (NOAA) cho biết, mặc dù có mưa gần đây, một số nhà sản xuất cà phê ở Trung Mỹ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu độ ẩm sau đợt hạn hán vào đầu mùa.
- Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong quý II vừa qua đã giảm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 308.124 tấn. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng 8,5% lên 1,26 tỷ USD nhờ giá bán tăng cao.
- Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm gần 40% về lượng và 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng, đạt 353.468 tấn với kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 40,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.