Trên thị trường thế giới, giá robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn London tăng 95 USD chốt ở 4.153 USD/tấn. Giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York ở mức 224,2 US cent/lb.
Các thông tin nổi bật:
- Tồn kho cà phê của Việt Nam vẫn thấp, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, đẩy giá dao động ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước.
- Hãng tư vấn Hedgepoint đưa ra 3 kịch bản dự báo sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024/25. Trong đó, kịch bản tiêu cực nhất, sản lượng cà phê chỉ còn 27 triệu bao. Với kịch bản tích cực nhất, sản lượng được dự báo cũng chỉ đạt tối đa 28,7 triệu bao.
- Trong tổng kim ngạch cà phê xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm 2024 đạt khoảng gần 3,26 tỷ USD, thì cà phê robusta chiếm vị trí chủ đạo với kim ngạch khoảng trên 2,53 tỷ USD.
- Hãng tàu biển Maersk nhận định vẫn tồn tại nhiều khó khăn tại Biển Đỏ trong quý 3/2024, cước tàu cao ảnh hưởng đến lượng hàng qua các nước tiêu thụ.
- Thời tiết nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến châu Á. Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, tháng 5/2024 vừa qua là tháng nóng kỷ lục trên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình đã vượt qua mức cao kỷ lục trong tháng được thiết lập vào năm 2020.
- Tiến sĩ Schwarz hiện là chủ một công ty rang cà phê ở Đức, đặt mục tiêu tìm cách giúp người trồng cà phê có thể sống bền vững từ việc trồng cà phê hài hòa với thiên nhiên và môi trường.Theo ông, tình trạng thiếu lao động thời vụ tại các đồn điền cà phê và mức tiêu thụ ngày càng tăng ở chính các nước sản xuất cà phê cũng sẽ gây áp lực lên giá cà phê. Ngày càng nhiều người châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hàn Quốc, thích uống cà phê, khiến nhu cầu và giá cả toàn cầu tiếp tục tăng. Ông cảnh báo mọi người nên sẵn sàng trả ít nhất từ 20 đến 30 euro cho mỗi kg cà phê nếu họ “thực sự yêu thích hương vị thơm ngon của tách cà phê và quan tâm đến các khía cạnh sinh thái và xã hội của việc trồng và sản xuất cà phê”.