Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời tiết ở khu vực Tây Nguyên – vùng trồng cà phê Robusta chính, đã thuận lợi hơn, hứa hẹn một vụ thu hoạch mới đạt sản lượng cao vào tháng 10/2019.

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 8/2019 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với tháng 7/2019, so với tháng 8/2018 giảm 15,1% về lượng và giảm 21,9% về trị giá. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 20% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê trong tháng 8/2019 đạt mức 1.692 USD/tấn, giảm 1,4% so với tháng 7/2019 và giảm 8,1% so với tháng 8/2018. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt mức 1.706 USD/tấn, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thị trường thế giới, tháng 8/2019, giá cà phê Robusta và Arabica trên sàn giao dịch London New York giảm so với tháng 7/2019 do áp lực dư cung và ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ- Trung Quốc ngày càng leo thang.
Công ty tư vấn Safras và Mercado cho hay, sản lượng cà phê của Brazil năm 2019 dự báo đạt 58,9 triệu bao (loại 60 kg), giảm nhẹ so với mức kỷ lục 62 triệu bao trong năm 2018.
Theo Ủy ban cà phê Tanzania, sản lượng cà phê của nước này đã tăng mạnh, từ 47.000 tấn trong niên vụ 2017/18 lên 65.500 tấn trong niên vụ 2018/19 nhờ thời tiết thuận lợi và diện tích gia tăng. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê cao đã giúp Tanzania vượt qua Kenya lên vị trí thứ 4 trong số các nhà sản xuất hàng đầu ở châu Phi, từ vị trí thứ 5 trong các năm trước. Hiện Ethiopia là nước sản xuất cà phê lớn nhất khu vực châu Phi với sản lượng đạt 450.000 tấn, Uganda đứng ở vị trí thứ 2, sản lượng đạt 294.000 tấn, Bờ Biển Ngà đứng ở vị trí thứ 3 với 96.000 tấn.
Trong năm 2018 - 2019, mức tiêu thụ của người Ethiopia ước đạt 3,8 triệu bao, chiếm 50,7% sản lượng dự kiến. Xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm lên tới 2,47 triệu bao so với 2,65 triệu bao trong năm 2017 - 2018.
Tiêu thụ cà phê thế giới trong năm 2018 - 2019 ước tăng 2,1% lên 164,84 triệu bao với mức tăng trưởng lớn nhất ở châu Á và châu Đại Dương, nơi nhu cầu tăng 3,6% lên 35,91 triệu bao.
Tiêu thụ ở châu Âu đã chậm lại, tăng 1,5% lên 53,97 triệu bao so với mức tăng 2,1% trong cùng kì năm 2017 - 2018. Tuy nhiên, nhu cầu ở Bắc Mỹ tăng 2,2% lên 30,61 triệu bao.
Tiêu thụ ở Nam Mỹ tăng 1,1% lên 27,27 triệu bao, ở châu Phi tăng 3% lên 11,88 triệu bao và Trung Mỹ & Mexico tăng 0,2% lên 5,21 triệu bao.
Mặc dù tốc độ tiêu thụ tăng, sản xuất thế cà phê giới dự kiến sẽ vượt mức tiêu thụ 3,92 triệu bao, dẫn đến thặng dư 8 triệu bao trong hai mùa vừa qua.