Hợp đồng dầu cọ giao tháng 3/2024 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch sáng nay tăng 32 ringgit, tương đương 0,85% lên mức 3.787 ringgit (815,46 USD)/tấn. Giờ nghỉ trưa, hợp đồng này ở mức 3.775 ringgit (810,61 USD)/tấn.
Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm 0,41%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biét, tồn kho dầu cọ của Malaysia cuối tháng 11/2023 giảm lần đầu tiên sau 7 tháng, xuống 2,42 triệu tấn, do sản lượng giảm nhiều hơn so với xuất khẩu.
Dữ liệu từ nhà khảo sát hàng hóa Intertek testing Services cho thấy, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong nửa đầu tháng 12/2023 giảm 13,6% xuống 591.490 tấn.
Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), nước này đã xuất khẩu 3 triệu tấn sản phẩm dầu cọ trong tháng 10/2023, giảm 31% so với cùng tháng năm ngoái. Sản lượng dầu cọ thô của Indonesia trong tháng 10/2023 đạt 4,52 triệu tấn, đưa tồn kho lên mức 2,87 triệu tấn vào cuối tháng này, giảm so với mức 3,1 triệu tấn một tháng trước đó. Indonesia có kế hoạch ấn định giá tham chiếu dầu cọ thô ở mức 767,51 USD/tấn từ ngày 16 – 31/12/2023, giảm từ mức 795,14 USD trong nửa đầu tháng.
Nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng 11/2023 đã tăng lên mức cao gần ba tháng, với mức tăng gần 23% so với tháng 10 trước đó, do các nhà máy ưa chuộng loại dầu nhiệt đới hơn dầu đậu tương và dầu hướng dương cạnh tranh.
Các sự kiện ở Biển Đỏ đang làm tăng rủi ro địa chính trị ở Trung Đông, khiến giá dầu tăng thêm hơn 1 USD/thùng. Giá dầu thô kỳ hạn mạnh hơn khiến dầu cọ trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với nguyên liệu diesel sinh học.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters