Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn hàng, lợi thế thuộc về khối FDI
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 210.372 tấn, trị giá 482,4 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 11% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ giảm 0,1% về lượng nhưng tăng 1,8% về trị giá.
Tuy nhiên, tính đến hết quý I năm nay xuất khẩu cà phê của nước ta đã giảm 5% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 552.613 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD.
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mua hàng.
Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua.
Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ giá thất thường.
“Nguồn tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dồi dào như mọi năm dẫn đến tồn kho hàng hoá ở mức thấp. Trong khi đó, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu”, ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, các doanh nghiệp FDI với lợi thế về nguồn tiền dồi dào nên đã gom hàng từ trước đợi khi nào doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng thì bán ra. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở niên vụ 2021 - 2022.
“Nếu như niên vụ 2021 - 2022, tình trạng thiếu hàng chỉ xảy ra ở trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 thì niên vụ năm nay (2022 - 2023), tình trạng này xảy ra ngay từ 2 tháng đầu năm. Do đó, các doanh nghiệp không ký hợp đồng nhiều. Các doanh nghiệp FDI có nguồn tài chính dồi dào đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam”, ông Hiền cho biết.
Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 808 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,7% lên 419,8 triệu USD.
Tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam theo đó tăng lên mức 34% từ 31% của cùng kỳ; trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp từ 69% xuống còn 66%.
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Còn tại trong nước, giá cà phê hiện đang bước vào chu kỳ tăng giá trong năm thứ ba liên tiếp. Tính đến ngày 12/4, giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã vượt 50.000 đồng/kg, dao động ở mức 50.000 - 50.500 đồng/kg, tăng 24 – 26% (hơn 10.000 đồng/kg) so với đầu năm nay. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được kể từ cuối tháng 8/2022.
Một số nhận định cho rằng giá cà phê có thể thiết lập mức đỉnh mới trong thời gian tới do nguồn cung cà phê toàn cầu được dự báo sẽ thiếu hụt trong năm thứ hai liên tiếp.
Báo cáo tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 chỉ đạt 8,9 triệu bao, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 2/2023), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 8,7 % xuống còn 48,7 triệu bao.
Đồng thời, ICO ước tính nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Theo dự báo này, sản lượng cà phê arabica toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.
Trước thông tin trên, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 5 trên sàn London đã tăng mạnh lên mức 2.403 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 12/4, tăng 25% so với đầu năm nay.
Tại New York, giá cà phê arabica cũng tăng 18% so với đầu năm lên 190,3 US cent/pound đối với hợp đồng giao tháng 5.
Tổng hợp Hoàng Hiệp
Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng lên. Trong tháng 3 giá xuất khẩu bình quân cà phê tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.293 USD/tấn. Tính chung qúy I năm nay giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 2.222 USD/tấn, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ.
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Xuất khẩu sang EU giảm, các thị trường khác tăng mạnh
Trong quý I, xuất khẩu cà phê sang thị trường EU có xu hướng giảm, nhưng bù lại các thị trường lớn khác như Mỹ, Nga, Algeria, Indonesia… lại tăng rất mạnh.
Theo đó, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 220.749 tấn cà phê sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong quý I với trị giá thu về 473,7 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu.
Báo cáo mới đây của ICO cho biết, tiêu thụ cà phê của châu Âu chỉ tăng 0,1% trong năm nay sau khi tăng 6% vào năm trước do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát tăng cao.
Trong khối EU, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức tăng 5,6%, đạt 77.490 tấn; Italy tăng 25,8%, đạt 53.585 tấn; tuy nhiên thị trường Bỉ giảm mạnh 57,6%; Hà Lan giảm 14%...
Ở chiều ngược lại, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 44,5% lên 39.438 tấn; thị trường Nga tăng 82,9% lên 33.091 tấn; Algeria tăng 135,8%, đạt 20.335 tấn.
Khối lượng xuất khẩu sang các nước có thế mạnh về trồng và chế biến cà phê khác cũng tăng đột biến như: Indonesia tăng 3,7 lần (đạt 13.695 tấn), Mexico tăng gấp gần 7 lần (đạt 11.411 tấn), Ấn Độ tăng hơn 2 lần (đạt 10.881 tấn)…
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)