Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) tháng 5, xuất khẩu thủy sản đạt gần 790 triệu USD, tăng 24% so với tháng 4. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 3,3 triệu USD, tăng 14%. VASEP nhận định xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trên đà hồi phục với mức tăng lạc quan trong hai quý đầu năm.
Dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia sau khi tiến hành tiêm vắc xin toàn dân và đạt được kết quả khả quan, kinh tế phục hồi nhanh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng cao.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) sau nhiều tháng chống chọi với đại dịch COVID-19, kinh tế các nước châu Âu dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng cao. Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ có bước tăng trưởng ấn tượng ở các thị trường này.
Ngược lại, dịch COVID-19 cũng khiến nhiều nền kinh tế suy sụp, các chuỗi sản xuất đứt gãy trong đó có Ấn Độ, đối thủ của Việt Nam trên cuộc đua xuất khẩu thủy sản.
Trao đổi bên lề Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong khi một số đối thủ trong ngành thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề.
"Đây chính là cơ hội để ngành thủy sản tổ chức sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu xuất khẩu vào các thị trường sắp phục hồi. Ngành thủy sản cần nhận định đúng, triển khai đúng để có kết quả tốt", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm tăng 25% trong tháng 5 đạt 375 triệu USD, sau khi đạt trên 300 triệu USD trong tháng 4, tăng 23%. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14%.
Trong khi ngành tôm Ấn Độ đang tê liệt vì dịch COVID-19, các đối thủ như Việt Nam, Ecuador, Indonesia đang tận dụng cơ hội, cải thiện xuất khẩu sang Mỹ.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 198 triệu USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu tôm, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ EVFTA, sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức 20% xuống 0% (Ảnh: Thực phẩm cộng đồng)
Cùng với Mỹ, EU được dự báo là thị trường hấp dẫn cho ngành tôm Việt Nam khi được hưởng lợi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tính tới hết tháng 4, tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU vẫn đạt gần 146 triệu USD, tăng 18,5%. Riêng tháng 4, giá trị xuất khẩu đạt gần 50 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuoc dua xuat khau thuy san

Trao đổi với người viết, Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết từ khi triển khai EVFTA, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang đây đã tăng trên 20% so với các năm trước.
Rõ ràng, các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều thông qua việc EU cắt giảm thuế, đặc biệt là đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
"Tuy nhiên, giá thành tôm của Việt Nam đang một trong những trở ngại xuất khẩu. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, tôm được nhập khẩu từ Ecuador và nước Nam Mỹ có giá thành rẻ hơn so giá tôm Việt Nam. Do đó, ngành tôm cần giải được bài toán về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như giá thành cạnh tranh để có thể bước vào đường đua", ông Hòa phân tích.
Như vậy, ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng đang có lợi thế kép. Do đó, các doanh nghiệp nên tranh thủ cơ hội, đẩy mạnh xúc tiến ở các thị trường Mỹ, EU, tăng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021.

Nguồn: vietnambiz.vn