Indonesia là quốc gia sản xuất dầu nhiệt đới lớn nhất thế giới. Sản lượng tại quốc gia này sụt giảm sẽ khiến xuất khẩu bị hạn chế và đồng thời hỗ trợ giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia FCPOc3 tăng.
Bên lề hội nghị 'Globoil' ở Mumbai, Fadhil Hasan, người đứng đầu bộ phận thương mại và xúc tiến tại Hiệp hội Dầu cọ Indonesia cho biết, xuất khẩu dầu cọ của nước này có thể chỉ đạt 30,2 triệu tấn trong cả năm 2024, giảm 2 triệu tấn so với một năm trước. Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu dầu cọ đã giảm 7,6% so với cùng kỳ xuống mức 15,06 triệu tấn; sản lượng giảm xuống còn 26,2 triệu tấn từ mức 27,3 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo Fadhil Hasan, sản lượng trong năm 2024 có thế giảm 1 triệu tấn xuống còn 53,8 triệu tấn do thời tiết khô hạn khiến năng suất sụt giảm và diện tích không được mở rộng.
Trong năm 2023, Indonesia đã tăng tỷ lệ dầu cọ pha trộn vào nhiên liệu sinh học lên 35% và triển khai trên toàn quốc từ ngày 01/8. Điều này sẽ nâng mức tiêu thụ dầu cọ lên kỷ lục ở 24,2 triệu tấn vào năm 2024 từ mức 23,2 triệu tấn của năm ngoái.
Tháng 8/2024, Bộ năng lượng Indonesia cho biết họ có kế hoạch tăng tỷ lệ pha trộn lên 40% vào tháng 1/2025, trong nỗ lực giảm nhập khẩu nhiên liệu và khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Hasan cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng xu hướng sản xuất và xuất khẩu trước khi tăng lệnh pha trộn. Xuất khẩu tạo ra doanh thu hỗ trợ chương trình nhiên liệu sinh học.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters