XK thủy sản chưa thể phục hồi
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) tại Hội nghị toàn thể hội viên của VASEP ngày 12/6/2023. Theo bà Thu Sắc, năm 2023 cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp XK thủy sản, khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho tăng.
XK thủy sản sụt giảm liên tục của xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm 2023.Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 đến 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính.
Trong đó, thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
XK tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28 đến 50%. Trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất, lần lượt 44% và 49%. XK sang Trung Quốc giảm 25%.
Hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản, quốc gia suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản của chúng ta.
Trong tháng 5, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này kết thúc chính sách zero Covid -19 do nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình hình ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản.
Sự suy giảm của thị trường Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến các thị trường khác, đặc biệt là Đức, đối tác lớn của Trung Quốc và cũng là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Châu Âu. Sự suy giảm của Đức đã đem đến nhiều khó khăn cho các nước khác trong khu vực EU.
Cùng với khó khăn của thị trường, giá nhập khẩu vào tất cả các thị trường đều giảm so với cùng kỳ do tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, các nhà nhập khẩu hạ giá mua vào. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng khiến cho giá thành sản xuất thủy sản XK tăng, giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam
Từ những khó khăn trên, bà Sắc nhận định, nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi như những dự báo trước đây.
Nhiều giải pháp hỗ trợ XK
Các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, đang rất nỗ lực, tích cực tìm các giải pháp để vượt qua những khó khăn hiện nay, tìm kiếm đơn hàng XK.
Mới đây, Ủy Ban Tôm VASEP đã khởi động chương trình “ Vì một ngành Tôm phát triển bền vững” và bước đầu đã có những tác động tích cực đến thị trường nguyên liệu Tôm. Ủy ban cá nước ngọt cũng bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra. Ủy ban Hải sản cũng đang đóng góp tài chính để thuê tư vấn quốc tế cho vấn đề Thẻ vàng IUU. Những hoạt động này cho thấy các doanh nghiệp đang đi cùng nhau để đi được xa hơn
Chia sẻ với các doanh nghiệp tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn đối với doanh nghiệp XK thủy sản, cần đánh giá thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại để tìm đơn hàng XK.
Bên cạnh đó, cCần đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu. “Các doanh nghiệp chú ý đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao trong chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm XK. Đặc biệt là chế biến sâu, giá trị tăng thêm hơn 30%”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo cá doanh nghiệp, với những biến động kinh tế, chính trị, lạm phát, chiến tranh hiện nay, khó có thể đưa ra những dự báo có tính cơ sở chắc chắn cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường. Bối cảnh sau Covid -19 và lạm phát cao, đã có nhiều thay đổi về xu hướng nhu cầu các sản phẩm thủy sản.
Theo đó, các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có thể vẫn có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia vẫn có nhu cầu ổn định hơn với sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam.
Nửa cuối năm, có thể tình hình XK thủy sản sẽ khả quan hơn, đơn hàng tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm. Mục tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD năm 2023 chưa có cơ sở để tin rằng sẽ đạt được hay không.
Tuy nhiên, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ, đồng hành để còn có nguồn cung, nguồn vốn và các nguồn lực khôi phục sản xuất, XK khi thị trường có tín hiệu tốt hơn. Nếu có những điều kiện thuận lợi cho cả sản xuất và thị trường, doanh nghiêp thủy sản vẫn có niềm tin giữ được mục tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn: Haiquanonline