Giữ đơn hàng tại thị trường lớn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – Hồng Kông là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu ((XK) sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, XK sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi XK sang Trung Quốc – Hồng Kông tăng 15%.
XK sang Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi đó XK tôm sang thị trường này vẫn tăng trên 30%. Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được XK nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, XK tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023.
Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, XK tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ Trung Quốc, Mỹ tăng nhu cầu tôm, cua của Việt Nam, mà XK 2 loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó XK tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, XK cua tăng 23%. Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật, theo đó XK cá tra sang thị trường này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay.
Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba… Gần đây, Nhật Bản tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc – đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật - đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản.
Thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng XK cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương: sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%... Nhìn chung, XK cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực: sang Mỹ - thị trường lớn nhất – tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%...
XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn tăng 16%, trong khi sang các thị trường chính khác như Mỹ giảm 3%, Nhật Bản giảm 21%...
Trong quý I/2024, giá trung bình XK các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp. Kỳ vọng sau các Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, đơn hàng cho các DN sẽ khởi sắc hơn và giá XK sẽ tốt dần lên.
Từ thực tế trên, theo bà Lê Hằng, có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.
Vượt rào cản vào thị trường Mỹ
Mặc dù có khá nhiều rào cản thương thương mại, song các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tuân thủ để đưa hàng vào thị trường Mỹ. Theo nhận định của bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP, XK thủy sản sang Mỹ trong tháng 3 tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi XK sang các thị trường khác đều giảm, cho thấy khả năng hồi phục của thị trường này ngày càng rõ rệt. Trong đó riêng XK tôm sang trong quý I tăng 15%, XK cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13-53%.
Giá trung bình cá tra XK sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản, các doanh nghiệp đang phải thực hiện. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Mức thuế cuối cùng cho POR 19 đã được ấn định ở mức 0,18 USD/kg đối với 5 công ty. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với những POR trước đó.
Cũng trong tháng 3 này, DOC đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Đây là 3 trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ (Indonesia, nhà cung cấp tôm lớn thứ ba cho Mỹ, nhận được quyết định sơ bộ không có trợ cấp).
Mức thuế chống trợ cấp sơ bộ buộc phải trả của các doanh nghiệp dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%. Theo đó, mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại.
Theo VASEP, DOC đã bắt đầu triệu tập danh sách các nhà xuất khẩu và những người đề xuất áp dụng mức thuế mà họ đã xác định - trong khi chờ điều tra đầy đủ - rằng có khả năng ba trong số bốn quốc gia bị nhắm đang hỗ trợ các chương trình trợ cấp cho phép họ đưa ra mức giá thấp giả tại thị trường Mỹ, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thuế suất nêu trên sẽ có hiệu lực ngay khi DOC có thể công bố chúng lên Công báo liên bang (Federal Register).
Tuy nhiên, thuế sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng các nước này không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm Mỹ, nhưng quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024, nghĩa là các nhà nhập khẩu có thể sẽ phải đối mặt với mức chi phí cho phần lớn thời gian còn lại của năm.

Nguồn: Haiquanonline