Ngành công nghiệp chế biến dầu cọ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân, giúp tiêu thụ sản phẩm của hộ nông dân nhỏ lẻ, cải thiện đời sống cho những người nông dân trồng cọ dầu độc lập và tăng nguồn thu ngoại hối cho đất nước.
Các hoạt động của ngành công nghiệp chế biến dầu cọ cũng mang lại hiệu ứng cấp số nhân như phát triển các khu công nghiệp mới dựa vào dầu cọ ở Dumai (tỉnh Quần đảo Riau), Sei Mangkei, Kuala Tanjung (Bắc Sumatra), Tarjun (Đông Kalimantan) và Bitung (Bắc Sulawesi), cũng như tạo ra các trung tâm tăng trưởng kinh tế mới. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp này cũng thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động sản xuất phục vụ kinh doanh đồn điền dầu cọ, đặc biệt là ở các vùng kém phát triển, vùng biên giới và hải đảo (3T).
Đầu tuần này (18/7), Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết tại Jakarta, chuỗi công nghiệp chế biến dầu cọ hiện đã thu hút hơn 5,2 triệu lao động trực tiếp và hỗ trợ cuộc sống của 20 triệu người. Năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ đạt 40,31 triệu tấn với tổng trị giá 35,79 tỷ USD, tăng 56,63% so với năm 2020.
Bộ Công nghiệp Indonesia tiếp tục có các chính sách khuyến khích ngành công nghiệp chế biến dầu cọ hạ nguồn để sản xuất các sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh. Việc này cần được hỗ trợ bởi nguồn nguyên liệu sẵn có và việc sử dụng công nghệ cũng như cải tiến mới nhất, để các sản phẩm hạ nguồn có thể được người tiêu dùng toàn cầu chấp nhận.
Năm 2011, Indonesia chỉ sản xuất 54 sản phẩm dầu cọ ở hạ nguồn. Hiện con số này đã lên tới 168 sản phẩm, bao gồm dầu ăn, dược phẩm, dinh dưỡng, hóa chất, oleochemical, nhiên liệu tái tạo/diesel sinh học. Điều này có nghĩa là, trong 11 năm qua, con số này đã lên gấp 3 lần.
Trong tầm nhìn xa đến năm 2045, Indonesia đặt mục tiêu trở thành trung tâm cho các nhà sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm phái sinh từ dầu cọ trên thế giới, để trở thành quốc gia định giá CPO toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Idnfinancials.com