Hợp đồng dầu cọ giao tháng 10/2022 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 4 ringgit, tương đương 0,1% lên 3.949 ringgit. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 3.904 ringgit (876,32 USD)/tấn.
Nhà sản xuất hàng đầu Indonesia đã loại bỏ thuế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm dầu cọ đến hết tháng 8/2022, là nỗ lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm lượng tồn kho cao và có kế hoạch đặt giá tham chiếu dầu cọ thô hai tuần một lần để thuế suất có thể thay đổi phù hợp hơn với giá thị trường. Động thái này sẽ không làm gián đoạn nguồn thu của Chính phủ.
Quyết định này của nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới có thể làm giảm giá dầu cọ thô, vốn đã giảm khoảng 50% kể từ cuối tháng 4/2022 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết thuế xuất khẩu dầu cọ lũy tiến sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/9/2022, với mức từ 55 - 240 USD/tấn đối với dầu cọ thô, tùy thuộc vào giá cả.
Trong một lưu ý hôm đầu tuần, Refinitiv Commodities Research cho biết, trong nửa đầu tháng 7/2022, sản lượng dầu cọ thấp hơn dự kiến 12% so với cùng kỳ năm trước đã hỗ trợ giá thị trường.
Hiệp hội Dầu cọ Indonesia cho biết, nước này đã xuất khẩu 678.000 tấn dầu cọ trong tháng 5/2022, giảm 77% so với cùng tháng năm 2021, sau lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô CPO và dầu ăn. Lệnh cấm này được thực hiện từ ngày 28/4 – 23/5/2022. Dự trữ dầu cọ nội địa đã tăng từ 6,1 triệu tấn lên mức 7,23 triệu tấn vào cuối tháng 5/2022. Dự trữ cao khiến các nhà máy hạn chế mua trái cọ, ảnh hưởng đến người trồng.
Bộ trưởng Hàng hóa Malaysia cảnh báo xuất khẩu dầu cọ của Malaysia sang Trung Quốc - nước mua lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những thách thức kinh tế toàn cầu và tổng nhập khẩu của nước này có thể sẽ sụt giảm.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 1,3%, giá dầu cọ tăng 1,8%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm 0,5%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters