Tại bang Minas Gerais, Brazil, nơi được xem là vùng trồng cà phê lớn nhất thế giới, các nông dân và nhà xuất khẩu thường ăn mừng khi giá cà phê tăng cao, nhưng năm nay thì khác, theo Bloomberg.
Sau nhiều vụ mùa kém hiệu quả, đợt tăng giá mạnh gần đây đã đẩy nhiều nhà sản xuất lớn vào tình trạng tài chính căng thẳng do thiếu tiền mặt để duy trì các hợp đồng phòng ngừa rủi ro trên sàn giao dịch New York.
Điển hình như trường hợp của Atlântica Exportação e Importação SA, công ty chiếm 8% doanh thu cà phê arabica của Brazil, tuần trước đã yêu cầu một tòa án địa phương gia hạn thời gian để thương thảo với các chủ nợ nhằm tránh việc phải tuyên bố phá sản. Một công ty khác là Cafebras Comércio de Cafés do Brasil SA, cũng đang yêu cầu gia hạn thêm 60 ngày. Các chuyên gia trong ngành cho rằng đây không phải là những công ty cuối cùng đối mặt với vấn đề này.
“Thị trường đang rơi vào hoảng loạn với những tin đồn rằng các công ty giao dịch khác cũng có thể gặp vấn đề nghiêm trọng,” ông Marcelo Moreira, chuyên gia cà phê tại Archer Consulting, cho biết.
Giá cà phê arabica, loại cà phê được ưa chuộng trong các thức uống cao cấp, đã tăng mạnh, khoảng 70% trong 11 tháng của năm 2024, chạm mức cao nhất trong hơn bốn thập kỷ. Giá cà phê kỳ hạn sau đó đã giảm nhẹ nhưng không đủ để ngừng tác động tiêu cực. Khi giá tăng, các nhà môi giới yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê phải nộp thêm tiền vào quỹ bảo chứng để đối phó với các khoản lỗ tiềm tàng. Một số nhà giao dịch phải mua lại hợp đồng để rút khỏi thị trường, tạo ra vòng xoáy giá cả tăng cao hơn nữa. Ông Moreira ước tính các yêu cầu ký quỹ trong tháng 11 lên đến 7 tỷ USD.
Giá cà phê arabica ổn định vào thứ Ba sau khi có lúc tăng đến 1,6% tại New York.
Giá cà phê arabica tăng mạnh vì nỗi lo khan hiếm nguồn cung (Nguồn: ICE Futures US, Bloomberg)
Tại Montesanto Tavares Group Participações SA, công ty sở hữu Atlântica và Cafebras, chi phí duy trì các hợp đồng phòng ngừa rủi ro đã tăng vọt lên 158% so với các khoản phải thu vào tháng 11, từ 74% trong tháng 5, Bloomberg dẫn thông tin từ hồ sơ toà án. “Các yêu cầu ký quỹ liên tục được đưa ra khiến cơ cấu tài chính ngắn hạn trở nên không bền vững,” theo nội dung trong tài liệu toà án.
Giá cà phê tăng cao đang đẩy thị trường đến bờ vực khủng hoảng, gợi nhớ đến những rắc rối gần đây trong các mặt hàng quan trọng khác.
Giá khí đốt tự nhiên đã tăng đột biến sau căng thẳng Nga - Ukraine, buộc nhiều chính phủ châu Âu phải can thiệp để cứu trợ các công ty năng lượng. Hồi đầu năm nay, giá cacao cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 1960 do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến hàng loạt vụ vỡ nợ và kiện tụng giữa các công ty giao dịch. Vì nhiều nhà giao dịch lớn kinh doanh đa dạng hàng hóa, đợt tăng giá cà phê chỉ khiến tình hình của họ thêm phần khó khăn.
"Tỷ lệ ký quỹ cao đang tạo ra áp lực lớn về tài chính, và với các công ty có hợp đồng cà phê lẫn cacao, đây là một cú đòn kép," ông Judy Ganes, chủ tịch J. Ganes Consulting, nhận định.
Ngoài căng thẳng tài chính, thị trường cà phê còn đang chịu ảnh hưởng bởi chi phí logistics cao. Các nhà xuất khẩu cà phê đã chi thêm 7 triệu reais (1,2 triệu USD) vào năm nay cho các khoản chi phí như lưu kho và các khoản phí cảng, theo nhóm xuất khẩu cà phê Brazil, Cecafé.
Chi phí vận chuyển giữa các quốc gia sản xuất cà phê ở châu Á và các thị trường tiêu thụ tại châu Âu cũng đang tăng lên trong bối cảnh khủng hoảng tại Biển Đỏ. Thêm vào đó, thị trường đang ngày càng lo ngại rằng sản lượng vụ thu hoạch cà phê arabica sắp tới sẽ thấp hơn do hạn hán nghiêm trọng.
"Đây là biến động mạnh nhất mà tôi từng thấy về việc điều chỉnh giá nội địa trong thời gian ngắn," nhà môi giới Thiago Cazarini viết trong một báo cáo. Với chi phí vay và vận hành ngày càng cao, "tất cả đều dẫn đến một bầu không khí căng thẳng, nếu không muốn nói là sát thủ đối với kinh doanh.”