Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới nửa đầu tháng 8/2021, tổng trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico đạt 43,76 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. với kết quả này, Mexico hiện đã vượt Brazil trở thành thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Hàng rào thương mại từ Trung Quốc trong nửa đầu năm và sự sụt giảm nhập khẩu cá tra từ EU trong nhiều năm qua đã khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng ở ASEAN, Trung Đông hay Mỹ Latinh. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Brazil và Mexcico gia tăng đáng kể so với năm trước.
Đặc biệt, trong quý 2/2021, trị giá xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng trưởng ấn tượng tới ba con số, từ 166 - 232% so với cùng kỳ năm 2020.
Mexico là thị trường với thu nhập bình quân đầu người cao thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil). Đây là thị trường nằm trong khối CPTPP. Theo Hiệp định CPTPP, thuế suất nhập khẩu thủy sản vào thị trường Mexico sẽ về 0% kể từ năm thứ 3. Cá tra là sản phẩm thủy sản được Mexico nhập khẩu với khối lượng và giá trị lớn nhất, sau đó là sản phẩm cá ngừ. Đây sẽ là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, giá xuất khẩu trung bình cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mexico dao động trung bình từ 1,75 – 1,82 USD/kg. Nhiều doanh nghiệp cá tra chuyển từ một số thị trường khác sang Mexico, do đó, tính tới cuối tháng 7/2021, có hơn 40 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico. Trong đó lớn nhất là các doanh nghiệp, như: IDI CORP, NAVICO và DATHACO. Đáng chú ý, các doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Vĩnh Long đang đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hai sản phẩm cá tra chính sang Mexico là sản phẩm cá tra phile đông lạnh và cá tra cắt khúc đông lạnh.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico và một số thị trường khác, tuy nhiên, điều cần thiết nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian này là sớm quay trở lại ổn định sản xuất sau giãn cách.
Bởi trên thực tế, ngay từ cuối tháng 7/2021, đã có tới 50% nhà máy chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long phải đóng cửa do không thực hiện được “3 tại chỗ” hoặc có ca nhiễm Covid-19 tại địa phương. Nửa đầu tháng 8/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đang ở mức tăng trưởng dương ba con số đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Tạ Hà cho rằng, sẽ hy vọng sau những nỗ lực giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh tại nhiều địa phương, doanh nghiệp chế biến cá tra sớm ổn định trở lại để duy trì đơn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.