Theo đó, thuế nhập khẩu đối với gạo xát trắng thuộc mã CN 1006 20, không phải gạo basmati xát vỏ với các giống được đề cập trong Điều 1 của Quy định Ủy ban (EC) số 972/2006 (4), sẽ là 65 EUR/tấn. Quy định này có hiệu lực từ ngày 8/9/2022.
Cam kết từ Hiệp định EVFTA nêu rõ, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Cụ thể gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Riêng với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay chưa đầy 20% doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu kỹ về các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hơn nữa, bên cạnh lợi thế của hiệp định EVFTA, doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường để có thể chiếm lĩnh mở rộng thị phần nhiều hơn.
Với nhu cầu ổn định, nhất là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, thời gian tới, EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Uyên Hương (TTXVN)