Chỉ số giá lương thực thế giới tháng 2/2023 đạt trung bình 129,8 điểm, giảm nhẹ 0,6% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 18,7% so với mức cao nhất trong tháng 3/2022. Trong đó, giá dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa giảm, bù đắp lại là giá đường tăng mạnh.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 2/2023 hầu như không thay đổi so với tháng 1/2023. Giá lúa mì thế giới tháng 2/2023 tăng nhẹ do lo ngại về thời tiết khô hạn ở Mỹ và nguồn cung từ Australia bị cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà xuất khẩu. Giá gạo thế giới tháng 2/2023 giảm 1% do hoạt động của ác nước xuất khẩu ở châu Á chậm lại, đồng tiền cũng mất giá so với đồng đô la Mỹ.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 2/2023 giảm 3,2% so với tháng 1, với giá dầu cọ, đậu nành, hạt hướng dương và hạt cải dầu đều giảm.
Chỉ số giá bơ sữa thế giới tháng 2/2023 đã giảm 2,7%, với giá bơ và sữa bột gầy giảm mạnh nhất.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 2/2023 cũng hầu như không thay đổi so với tháng 1/2023. Giá gia cầm thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh nguồn cung xuất khẩu dồi dào, bất chấp ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số nước sản xuất chủ yếu, trong khi giá thịt lợn tăng, chủ yếu là do lo ngại về nguồn cung xuất khẩu khan hiếm ở châu Âu.
Ngược lại, Chỉ số giá đường thế giới tháng 2/2023 tăng 6,9% so với tháng 1 lên mức cao nhất trong 6 năm, phần lớn là do điều chỉnh giảm dự báo sản lượng niên vụ 2022/23 ở Ấn Độ, mặc dù dự báo vụ mùa thuận lợi ở các nhà cung cấp khác, kết hợp với giá dầu thô thế giới giảm, giá dầu và giá ethanol tại Brazil giảm, hạn chế áp lực tăng giá đường.
Trong Bản tóm tắt về cung cầu ngũ cốc mới nhất, FAO đã đưa ra dự báo sơ bộ về sản lượng lúa mì thế giới năm 2023, dự đoán sản lượng toàn cầu đạt 784 triệu tấn, đây là mức cao thứ hai mặc dù giảm so với năm trước. Sản lượng ở Bắc Mỹ dự kiến sẽ tăng, do nông dân tăng diện tích để đáp ứng với giá ngũ cốc cao.
Ở các quốc gia Nam bán cầu, triển vọng sản xuất ngũ cốc thô năm 2023 nhìn chung là thuận lợi và tổng diện tích trồng ngô ở Brazil được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục.
FAO cũng đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2022 lên 2.774 triệu tấn, vẫn thấp hơn 1,3% so với năm 2021.
Tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2022/23 được dự báo đạt mức 2.780 triệu tấn, giảm 0,6% so với niên vụ trước, do tiêu thụ tất cả các loại ngũ cốc thô chính đều giảm.
FAO dự báo dự trữ ngũ cốc toàn cầu kết thúc vào năm 2023 sẽ giảm 1,2% so với mức đầu vụ, xuống còn 844 triệu tấn, do dự trữ ngũ cốc thô và dự trữ gạo giảm, nhưng cao hơn dự trữ lúa mì. Dựa trên những dự báo mới, tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc/dự trữ sẽ ở mức 29,5%, được coi là “mức độ phù hợp”. Xuất khẩu ngũ cốc thế giới được dự đoán sẽ giảm 1,8% xuống còn 473 triệu tấn.
Hạn hán, xung đột và giá cả tăng cùng với những khó khăn về kinh tế vĩ mô đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia. Theo dự báo của FAO, tổng cộng có 45 quốc gia trên thế giới được đánh giá là cần hỗ trợ từ bên ngoài về lương thực.

Nguồn: Vinanet/VITIC/FAO