Sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt mức 785,1 triệu tấn, hầu như không thay đổi so với tháng trước nhưng thấp hơn 2,2% (18 triệu tấn) so với năm 2022. Dự báo sản lượng tại Liên minh châu Âu và Kazakhstan giảm, do thời tiết bất lợi kéo dài vào cuối mùa dẫn đến sản lượng thấp hơn so với dự báo trước đó. Ngược lại, dự báo sản lượng ở Iraq và Mỹ tăng. Sản lượng ngũ cốc thô toàn cầu năm 2023 được chốt ở mức 1.510 triệu tấn, không thay đổi so với dự báo trong tháng trước nhưng tăng 2,7% (38,8 triệu tấn) so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tại Trung Quốc dự báo tăng 4 triệu tấn do diện tích gieo trồng tăng. Dự báo sản lượng ở hầu hết các nước Tây Phi cũng phù hợp với dữ liệu chính thức được công bố gần đây. Ngược lại, dự báo sản lượng ngô và hạt bo bo ở Mỹ giảm, trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi kéo dài, và ở Liên minh châu Âu, năng suất ngô đã giảm do điều kiện khô hạn ở các vùng phía đông.
Sang năm 2024, việc trồng lúa mì vụ đông được tiến hành trên khắp Bắc bán cầu và diện tích dự kiến tăng trưởng nhẹ, giá giảm. Tại Mỹ, tình trạng hạn hán đã phần nào giảm bớt ở các bang sản xuất chính và với dự báo lượng mưa trên mức trung bình trong những tháng tới, điều kiện thời tiết có vẻ thuận lợi hơn cho giai đoạn đầu của vụ mùa năm 2024; diện tích trồng trọt tiến triển với tốc độ trung bình tính đến tháng 10.
Tại Liên minh châu Âu, điều kiện tương đối khô và ấm đang thuận lợi cho việc gieo trồng lúa mì vụ đông, việc gieo trồng đã gần hoàn thành ở các nước phía bắc. Ở Ukraine, những tác động liên tục của các cuộc xung đột, giá tại trang trại thấp, cùng với điều kiện thời tiết xấu làm giảm diện tích lúa mì. Ở Ấn Độ, do giá nội địa tiếp tục tăng cao, diện tích gieo trồng lúa mì được dự báo sẽ vượt mức năm ngoái, trong khi lượng nước tưới tiêu dồi dào sẽ hỗ trợ tăng năng suất.
Tại Pakistan, diện tích lúa mì được dự báo cao hơn mức trung bình 5 năm qua trong bối cảnh giá trong nước cao kỷ lục, trong khi nguồn cung cấp hạt giống chất lượng, phân bón và thuốc diệt cỏ tốt sẽ cải thiện năng suất. Tại Trung Quốc, diện tích trồng lúa mì có thể tăng nhẹ trong năm nay, dựa trên kỳ vọng nhu cầu lúa mì trong nước sẽ tăng.
Việc gieo trồng các loại cây ngũ cốc thô năm 2024 đang được tiến hành ở các nước Nam bán cầu. Tại Brazil, những dấu hiệu ban đầu cho thấy diện tích trồng ngô giảm khoảng 5% do lợi nhuận trồng đậu tương tăng. Tại Achentina, diện tích trồng ngô năm 2024 sẽ giảm nhẹ so với năm 2023, trong bối cảnh lượng mưa giảm trong vụ đầu tiên đang cản trở việc trồng trọt. Ở Nam Phi, diện tích trồng ngô sẽ tăng nhẹ vào năm 2024, trong khi hiện tượng El Niño, thời tiết khô và nóng hơn gây ra rủi ro giảm năng suất ở Nam Phi và các nước láng giềng.
Dự báo của FAO về sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/24 hiện ở mức 523,9 triệu tấn, tăng 0,8% so với ước tính niên vụ 2022/23 và cao hơn 850.000 tấn so với dự báo trước đó, chủ yếu do dự báo sản lượng của Ấn Độ tăng, ngược lại, sản lượng của Indonesia giảm do việc giảm diện tích trồng trọt trái vụ của nước này nhiều hơn dự kiến trước đây.
Tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới trong năm 2023/24 được dự báo sẽ đạt 2.810 triệu tấn, tăng 6,7 triệu tấn so với dự báo tháng 10 và tăng 1% so với năm 2022/23. Dự báo tổng mức tiêu thụ lúa mì trong niên vụ 2023/24 tăng lên 6,3 triệu tấn, chủ yếu là do dự đoán mức tiêu thụ lúa mì làm thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc tăng, nâng dự báo toàn cầu lên 789 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2022/23. Bất chấp điều chỉnh giảm 1 triệu tấn trong tháng này, chủ yếu là do việc tiêu thụ ngô ở Indonesia giảm do sản lượng giảm, việc tiêu thụ ngũ cốc thô trên toàn cầu vẫn dự kiến sẽ tăng 1,2% trong niên vụ 2023/24 lên 1.499 triệu tấn. Về tiêu thụ gạo, chủ yếu tiêu thụ nội địa ở Ấn Độ tăng, dự báo tiêu thụ gạo thế giới năm 2023/24 tăng 1,5 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 10 lên 522 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng lượng tiêu thụ gạo trên thế giới có thể giảm nhẹ so với niên vụ 2022/23, do dự báo giảm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhưng tăng trong sử dụng lương thực.
Dự báo dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối vụ năm 2024 đã giảm 2,9 triệu tấn so với dự báo tháng 10, xuống còn 881 triệu tấn, nhưng vẫn tăng 2,6% so với mức đầu vụ. Dựa trên các dự báo dự trữ và sử dụng mới nhất, tỷ lệ dự trữ/sử dụng ngũ cốc thế giới năm 2023/24 ở mức 30,7%, tăng nhẹ so với mức 30,5% trong năm 2022/23, chứng tỏ nguồn cung dồi dào. Lần điều chỉnh giảm dự trữ mới nhất phần lớn xuất phát từ việc giảm (4,2 triệu tấn) trong dự báo tồn kho lúa mì toàn cầu, dựa trên dự đoán tồn kho ở Trung Quốc giảm do tiêu thụ thức ăn gia súc tăng, ở Kazakhstan do triển vọng sản xuất giảm và ở Türkiye do xuất khẩu tăng. Sau đợt điều chỉnh giảm trong tháng này, dự trữ lúa mì toàn cầu hiện được dự đoán sẽ duy trì gần mức đầu vụ, ở mức 315 triệu tấn. Dự báo tồn kho ngũ cốc thô toàn cầu trong tháng này đã tăng thêm 1,0 triệu tấn lên 367 triệu tấn, tăng 5,9% so với mức đầu vụ. Việc điều chỉnh tăng chủ yếu phản ánh dự trữ ngô dự kiến lớn hơn ở Trung Quốc do triển vọng sản lượng tăng. Dự trữ gạo thế giới vào cuối vụ 2023/24 được dự báo sẽ phục hồi 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất là 198,9 triệu tấn. Tuy nhiên, chủ yếu tăng ở Ấn Độ, cùng với sự phục hồi ở Pakistan và Mỹ, có thể làm lu mờ sự sụt giảm tồn kho ở tất cả các nhà xuất khẩu gạo lớn khác. Thay vào đó, tổng lượng hàng tồn kho tại các nước nhập khẩu chỉ phục hồi nhẹ từ mức giảm năm 2022/23, chủ yếu tồn kho tăng ở Trung Quốc, Indonesia và Philippines, vượt xa mức giảm tồn kho ở tất cả các nước nhập khẩu khác.
Dự báo của FAO về thương mại ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2023/24 đã tăng 3 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 10/2023 lên 469 triệu tấn, nhưng vẫn giảm 1,6% so với niên vụ 2022/23. Nhập khẩu tăng chủ yếu từ Liên minh châu Âu đối với cả ngô và lúa mì. Về xuất khẩu ngô dự đoán tăng từ Achentina và Paraguay. Xuất khẩu lúa mì tăng chủ yếu tăng ở Türkiye. Tuy nhiên, thương mại ngũ cốc thô và lúa mì toàn cầu đều được dự báo sẽ giảm trong năm 2023/24, lần lượt là 2,8% và 1,8% so với mức của năm 2022/23. Thương mại gạo quốc tế năm 2024 dự kiến đạt mức 52,8 triệu tấn, ít thay đổi so với dự báo tháng 10 và gần bằng mức giảm của năm 2023, do lượng nhập khẩu dự kiến giảm, cụ thể giảm từ Indonesia và các nước Đông Phi khác, có thể bù đắp khả năng nhập khẩu tăng lên của một số nước nhập khẩu Viễn Đông, Liên minh Châu Âu và các nước Mỹ Latinh khác.

Nguồn: Vinanet/VITIC/FAO