Thu hoạch lúa tại vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU của Tập Đoàn Lộc Trời ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng suốt thời gian dài, gạo Việt chỉ được xuất khẩu dưới dạng bao trơn và phân phối dưới thương hiệu đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong nước đã theo đuổi việc xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao và xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng vào những thị trường "khó tính" hàng đầu thế giới, nâng cao vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Những ngày cuối tháng Sáu, ngành gạo đón nhận nhiều tin vui cùng lúc khi hai doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam xuất khẩu thành công sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng của mình sang châu Âu và Nhật Bản.
Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của doanh nghiệp đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022.
Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên gạo do Tập đoàn Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường "khó tính" này. Đặc biệt, số gạo "Cơm Việt Nam Rice" xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour-hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, các lô hàng xuất khẩu vào châu Âu được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn.
Về chủng loại chủ yếu là gạo thơm, trong đó có gạo thơm độc quyền Lộc Trời 28 đã đạt giải nhất tại Hội nghị Thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 tổ chức tại Trung Quốc năm 2018 và đạt giải nhất cuộc thi "Gạo ngon thương hiệu Việt" tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 (tháng 1/2022).
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, kể từ khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (tháng 9/2020) đến nay, Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu.
Đây là một thị trường có tính kế hoạch cao, các nhà cung cấp nông sản vào đều phải tuân thủ qui trình đảm bảo chất lượng và cam kết sản lượng ổn định. Việc xuất khẩu những lô hàng mang thương hiệu riêng "Cơm Việt Nam Rice" vào châu Âu chính là bước khởi đầu trong hành trình đưa thương hiệu gạo của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới.
Còn tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long cũng chính thức lên kệ các siêu thị để bán trực tiếp cho người tiêu dùng Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở Mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long thông tin, để xuất khẩu gạo mang tên thương hiệu riêng vào thị trường Nhật Bản, lô hàng đã vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe đối với hơn 450 chỉ tiêu.
Với việc chinh phục được những yêu cầu của thị trường Nhật Bản, gạo A An của Tân Long đã có thể tự tin để vươn xa ra thị trường thế giới. Trong thời gian tới, Tân Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực khác như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật, để người Nhật, cộng đồng người châu Á, đặc biệt là kiều bào Việt Nam tại Nhật có cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm gạo đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam.
Trước đó, từ tháng 8/2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết, hiện nay toàn bộ gạo của công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty.
"Việc xuất khẩu được các sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng giúp nâng cao tính nhận diện cũng như doanh số tiêu thụ tại thị trường EU. Không những vậy, khi đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và có thương hiệu riêng tại các thị trường yêu cầu chất lượng cao, doanh nghiệp Việt có thể mạnh dạn đàm phán giá bán tương xứng với chất lượng mà không phải e dè cạnh tranh về giá so với các sản phẩm đại trà khác," ông Bình nhấn mạnh.
Như vậy, sau rất nhiều năm xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn "vô danh" hoặc phải đóng gói dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài, gạo Việt Nam đã từng bước được nhận diện bằng tên riêng với những thương hiệu hoàn toàn "made in Vietnam".
Thành quả từ xây dựng chuỗi sản xuất
Việc nhiều doanh nghiệp liên tục xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng sang châu Âu và Nhật Bản -những thị trường được đánh giá là "khó tính" trên thế giới cho thấy chất lượng gạo Việt Nam đã được công nhận và đánh giá cao.
Đây chính là thành quả của việc kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển chuỗi sản xuất một cách bài bản của các doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp Việt Nam.
Cách đây gần 10 năm, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm hình mẫu về phát triển cánh đồng lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó, Trung An trở thành đơn vị đi đầu thực hiện mô hình cánh đồng lớn và có diện tích trồng lúa sạch, hữu cơ lớn ở Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình cho biết, từ năm 2015-2017 Trung An đã đầu tư phát triển cánh đồng lớn với 763ha tại Kiên Giang, trong đó 530ha canh tác theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global Gap), 100ha được canh tác theo hướng hữu cơ (Organic) và bảo tồn khu sinh thái khoảng 20ha.
Đây cũng là thời điểm mà Trung An bắt đầu tập trung xây dựng thương hiệu riêng cho gạo và các sản phẩm từ gạo của công ty để mở rộng cung ứng tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cho đến nay, việc liên kết sản xuất theo quy trình đã giúp Trung An phát triển được hơn 30.000ha vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Hiện gạo của Trung An cũng đã có mặt ở gần 20 quốc gia khác nhau ở châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Úc…
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để tổ chức sản xuất lúa gạo trên quy mô lớn, những năm qua tập đoàn đã liên kết với các hợp tác xã và hơn 200.000 hộ nông dân, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình canh tác nhằm tối ưu hóa, cơ giới hóa các hoạt động mùa vụ, tổ chức thu hoạch và vận chuyển… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định cho người nông dân.
Hiện nay, Lộc Trời đã xây dựng được quy trình canh tác đáp ứng được tiêu chí chất lượng của các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia..., đồng thời đang hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững.
Với những đơn hàng lớn được đặt trước các đơn vị thành viên của tập đoàn sẽ phối hợp sản xuất quy mô lớn một cách đồng bộ từ việc quy hoạch vùng trồng, chọn giống phù hợp, thực hiện quy trình canh tác khoa học, ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp sinh học, sử dụng máy nông nghiệp và drone (máy bay không người lái) trong suốt các công đoạn từ đầu vụ đến cuối vụ, tổ chức thu hoạch, vận chuyển, sấy, lưu kho… nhằm đảm bảo cam kết chất lượng cao nhất, lúa gạo mới nhất trên thị trường cho khách hàng của mình.
Song song với liên kết sản xuất, Lộc Trời không ngừng đầu tư cho các nhà máy xay xát. Đến nay, Lộc Trời đang vận hành hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết trên khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tổng công suất sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát gạo hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa khô, áp dụng quy trình quản lý chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, HALAL, HACCP và SMETA…
Lộc Trời cũng là đơn vị duy nhất trên thế giới triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm hoàn hảo trong 3 năm liên tục 2020, 2021 và 2022.
Tương tự, Tập đoàn Tân Long cũng xây dựng quy trình quản lý canh tác, sản xuất khép kín "từ cánh đồng đến bàn ăn" thông qua việc bao tiêu những cánh đồng mẫu lớn.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, Tân Long không chỉ đặt mục tiêu phát triển thị trường trong nước mà còn còn coi việc xây dựng thương hiệu gạo Việt ra thế giới là sứ mệnh của mình.
Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ hay EU.
Để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, Tập đoàn Tân Long xác định liên kết cùng các hợp tác xã tổ chức "Cánh đồng Lớn - Cánh đồng Hạnh phúc," sử dụng giống lúa thuần chủng và sản xuất theo quy trình khép kín, cho ra sản phẩm gạo đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp nhất.
Tập đoàn Tân Long cũng đang vận hành 5 nhà máy gạo, với tổng công suất sấy hơn 4.000 tấn/ngày, tổng sức chứa 400.000 tấn. Các nhà máy đều được đặt tại những vị trí thuận lợi về vận chuyển hoặc trong vùng giao thương của các tỉnh trồng lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và đạt được đầy đủ các chứng nhận quan trọng về an toàn thực phẩm như BRC, HALAL, HACCP…
Có thể nói, việc lựa chọn chiến lược phát triển tập trung vào nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu lúa gạo của các doanh nghiệp thời gian qua đã cho những "quả ngọt" đầu tiên.
Cùng với lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại trong việc mở cửa thị trường, tin rằng gạo Việt sẽ có bước tiến dài trong việc nâng cao vị thế cạnh tranh và chinh phục người tiêu dùng thế giới./.

Nguồn: Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)