Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 4/12, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã bất ngờ quay đầu giảm từ 7-9 USD/tấn cho cả 3 loại 5%, 25%, 100% tấm. Trong đó, gạo 5% tấm giảm 7 USD, xuống còn 625 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 9 USD, xuống mức 566 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm 7 USD, xuống mức 484 USD/tấn.
Trước đó, trong vòng 3 tuần liên tục giá gạo của Thái Lan đã được điều chỉnh tăng mạnh. Nguyên nhân tăng giá, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), do nhu cầu mua cao và Việt Nam thiếu hàng. Cụ thể, nhu cầu mua gạo của Thái Lan tăng từ những thị trường gồm Philippines (khách hàng truyền thống của Việt Nam) và Brazil. Bên cạnh đó, giá cả trong nước cao hơn (chính phủ hỗ trợ vốn và lãi suất để người dân hoãn bán lúa ngay sau khi thu hoạch). Đồng baht của Thái Lan mạnh lên đã giúp củng cố đà tăng giá này.
Tuy nhiên, sau chuỗi ngày tăng nối dài thì ngay phiên đầu tuần này giá gạo của Thái đã “giảm nhiệt”.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tiếp tục duy trì ở mức 663 USD/tấn - cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 38 USD; gạo 25% tấm ở mức 643 USD/tấn - cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 77 USD/tấn.
Tương tự, gạo 5% tấm của Pakistan cũng không biến động trong phiên giao dịch đầu tuần và hiện có giá 598 USD/tấn, gạo 25% tấm cũng đi ngang ở mức giá 468 USD/tấn.
Nhìn về dài hạn, các chuyên gia dự báo rằng, do mối đe dọa từ El Nino cũng như phản ứng chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo thế giới sẽ không hạ nhiệt trước năm 2025.
Cụ thể, theo báo cáo Triển vọng hàng hóa toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây, giá gạo trung bình toàn cầu năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024.
Ngọc Thùy