Trên thị trường thế giới, như tuần 31, tuần 32 cũng kết thúc với sắc đỏ ở hai sàn giao dịch. Tuy nhiên, tính chung cả tuần 32, giá arabica kỳ hạn tháng 9/2021 lại tăng 6,75 cent, lên 182,75 US cent/lb. Giá robusta giao cùng kỳ hạn tăng mạnh 85 USD trong cả tuần lên 1.728 USD/tấn.
Khi có nhiều tin xác nhận sương giá gây hại trên vành đai cà phê ở miền nam Brazil có thể lên tới hơn 10% diện tích, giá cà phê đầu tuần tăng mạnh, tuy nhiên đã suy yếu trong phiên cuối tuần khi thị trường cho rằng thiệt hại tiềm năng sản lượng vụ mùa năm 2022 mới đáng kể.
Theo báo cáo hàng tuần của nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado, ước tính đến nay Brazil đã thu hoạch hơn 89% sản lượng cà phê vụ mới, với khoảng 50,45 triệu bao. Trong đó gồm 21,2 triệu bao cà phê Conilon robusta và 29,22 triệu bao cà phê arabica, chậm hơn so với mức trung bình 5 năm. Vụ thu hoạch cà phê Conilon robusta gần như đã hoàn thành, trong khi vụ cà phê arabica dự đoán còn khoảng 5,98 triệu bao vẫn đang thu hoạch.
Theo báo cáo thống kê của Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 7/2021, tháng đầu tiên của niên vụ 2021/22 giảm 12,8% xuống 2,8 triệu bao (loại 60 kg). Tổng lượng xuất khẩu cả 7 tháng đầu năm nay đạt 23,737 triệu bao, tăng 2,2% so với 7 tháng đầu năm ngoái.
Xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 7/2021 đã thu về 402,7 triệu USD, tăng 5,6% so với mức 381,2 triệu USD trong cùng tháng năm 2020.
Mỹ là nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất của Brazil với 4,51 triệu bao (+4,5%), Đức là 4,17 triệu bao (+5,5%), Bỉ là 1,69 triệu bao (+1,1%), Ý là 1,68 triệu bao (-9,5%) và Nhật Bản với 1,34 triệu bao (+12,8%).
Santos vẫn là đầu ra chính cho cà phê ở Brazil vào năm 2021. Từ tháng 1 - tháng 7, 18,401 triệu bao đã rời cảng São Paulo, chiếm 77,5% tổng lượng hàng xuất khẩu. Tiếp theo là các cảng Rio de Janeiro, với 3,692 triệu bao chiếm 15,6% và Vitória (ES), với 713 nghìn bao chiếm 3%.

Nguồn: VITIC/Reuters