Theo thống kê, cà phê Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 14% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến Việt Nam phải giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Để tháo gỡ vấn đề logistics, VICOFA vừa gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải.
Thời gian vận chuyển sang Mỹ, EU kéo dài tới 25 – 27 ngày song giá cả hợp lý và đặc trưng cà phê xuất khẩu dạng khô, chất lượng không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển.
Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu cà phê tiếp tục tập trung ở hai thị trường lớn là EU chiếm 40% sản lượng cà phê xuất khẩu và Mỹ chiếm 20% sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Trên thị trường thế giới, tuần 30 kết thúc với hai sàn giao dịch đảo chiều. Giá arabica kỳ hạn tháng 9/2021 cả tuần giảm 9,45 cent, xuống 179,55 US cent/lb. Giá robusta giao cùng kỳ hạn xuống mức 1.786 USD/tấn, sau khi giảm tới 113 USD trong cả tuần.
Một tuần khó khăn đối với các nhà đầu tư khi giá cà phê chỉ tăng trong phiên đầu tuần và giảm mạnh 4 phiên còn lại. Trong 2 tuần cuối tháng 7/2021, giá cà phê đã tăng rất mạnh rồi giảm rất mạnh, bởi thị trường bị đầu cơ quá mức trước tin tức về sương giá và nỗi lo sụt giảm nguồn cung tại Brazil.
Tính đến nay, Brazil đã thu hoạch được 43 triệu bao (gồm 20 triệu bao Conilon robusta và 23 triệu bao arabica), đạt 77% vụ cà phê mới, dựa trên dự báo sản lượng vụ này là 56,50 triệu bao.