Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam tuần qua có mức trừ lùi 80-90 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London, ổn định so với tuần trước đó.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta Sumatra được chào bán ở mức trừ lùi 100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 và tháng 11 trong tuần 29, giảm từ mức trừ lùi 50 USD trong tuần 28.
Trên thị trường thế giới, tuần 29 kết thúc với hai sàn giao dịch tăng. Giá arabica kỳ hạn tháng 9/2021 cả tuần tăng 27,65 cent, tương đương 17,14% lên mức 189 US cent/lb. Giá robusta giao cùng kỳ hạn đạt mức 1.899 USD/tấn, tăng 132 USD trong cả tuần, tương đương 7,47%.
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 biến thể mới trên toàn cầu khiến nhiều thị trường phải tái lập biện pháp giãn cách xã hội, nguồn cung từ nhiều nước sản xuất chậm lại góp phần đẩy giá trên hai sàn kỳ hạn tăng cao.
Trong tuần qua, một số trang trại lớn tại khu vực Cerrado thuộc bang Minas Gerais đã bị thiệt hại nặng nề do nhiệt độ giảm đột ngột vào ngày 20/7, với một số nông dân dự kiến sẽ nhổ bỏ cây và trồng lại. Điều này khiến giá cà phê arabica đã leo lên mức cao nhất 6,5 năm. Các đại lý cho biết vụ cà phê năm 2022 của Brazil có thể mất 1-2 triệu bao do đợt băng giá này, gây thiệt hại cho các khu vực trồng chủ chốt như bang Minas Gerais và Sao Paulo.
Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Cà phê (Cecafé) ở Brazil đã báo cáo xuất khẩu cà phê hạt trong niên vụ 2020/21 đạt tổng cộng 41,63 triệu bao, tăng hơn 15% so với niên vụ trước đó, thiết lập kỷ lục xuất khẩu mới của nhà sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới.
Theo Hiệp hội Cà phê hạt vùng Bắc Mỹ (GCA), tính đến hết tháng 6/2021, lượng tồn kho khả dụng còn 346.768 tấn, giảm 18,2% so với tháng 5/2021. Bình quân tiêu thụ cà phê hàng tuần tại Mỹ và Canada ước đạt 36.000 tấn.
Chuỗi cung ứng cà phê bị đứt gãy do dịch Covid-19 tái diễn liên tiếp, tồn kho cà phê tại các nước sản xuất giảm dần cùng đợt khủng hoảng vận tải biển khiến thị trường cà phê tuần qua khá cực đoan.

Nguồn: VITIC/Reuters