Nếu như tuần trước, giá nội địa còn chưa chạm được mức 40.000 đồng/kg thì tuần vừa qua, giá đã vọt lên mức cao nhất 41.000 đồng/kg, theo đà tăng liên tiếp của thị trường cà phê London.
Thời gian qua, thị trường cà phê trong nước đang bị thiếu định hướng về giá và sách lược tiếp thị mới, chuyên gia phân tích Nguyễn Quang Bình nhận định.
Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 37, giá hai sàn giao dịch London và New York rẽ hai hướng. Giá robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London tăng 5,03% chốt ở 2.151 USD/tấn. Trong khi đó, giá arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York có diễn biến ngược lại với mức giảm 0,88% xuống 186,4 US cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn BMF, Brazil giao dịch cũng giảm xuống mức 223,3 US cent/lb.
Dự báo thời tiết có mưa tại vành đai cà phê Brazil, dù chưa đủ để cải thiện độ ẩm của đất nhưng vẫn khiến giá arabiaca sụt giảm trở lại. Ngoài ra, Brazil cũng đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu khi đồng real suy yếu.
Ngược lại, lượng xuất khẩu từ hai nhà sản xuất robusta chính ở Đông Nam Á lại sụt giảm trong bối cảnh biến chủng mới của Covid-19 lây lan khắp nơi cùng giá cước vận tải biển đang cao ngất ngưởng, đã đẩy giá robusta kỳ hạn lên mức cao mới trong 4 năm.
Theo thống kê của cơ quan IBGE Brazil, sản lượng cà phê của nước này năm 2021 là 48,9 triệu bao, giảm 0,3% so với dự báo trước đó. Ước tính này gồm 33,6 triệu bao arabica và còn lại là robusta. Năm qua, IBGE ước tính sản lượng robusta tăng 6,3% đạt trên 15 triệu bao.
Trong 3 tháng cuối năm 2021, hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina được dự báo quay lại quanh vành đai Thái Bình Dương. Điều này khiến thị trường cà phê phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá arabica do khô hạn có thể xảy ra tại các vùng cà phê Brazil.

Nguồn: VITIC/Reuters