Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 46, giá cà phê robusta giao tháng 1/2022 giảm 1,41% xuống 2.245 USD/tấn. Giá arabica kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 6,19% lên 233,3 US cent/lb. Giá cà phê tăng trong bối cảnh lượng cà phê trong kho dự trữ còn rất ít và đồng tiền Brazil mạnh lên càng khiến cho người trồng cà phê Brazil không muốn bán ngay.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam (5% đen & vỡ) cuối tuần vừa qua thấp hơn 280 – 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1 trên sàn London, nới rộng so với mức trừ lùi 250 - 260 USD cách đây một tuần do không chắc chắn về chất lượng và khối lượng cà phê cung cấp.
Tại Indonesia, một nước sản xuất cà phê lớn khác ở Châu Á, nguồn cung cũng hạn chế trong khi nhu cầu bình thường. Mức trừ lùi giá cà phê robusta Sumatra ở tỉnh Lampung tuần này vững ở mức 250 USD so với hợp đồng tham chiếu ở London, cao hơn mức trừ lùi 170 - 180 USD so với kỳ hạn tháng 1 – 2 trên sàn London.
Băng giá và hạn hán phá hủy mùa màng ở nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới - Brazil, cùng lúc mưa quá nhiều ảnh hưởng tới sản xuất ở Colombia trong khi tình trạng thiếu container vận chuyển đang kìm hãm xuất khẩu từ Việt Nam.
Brazil chiếm 40% sản lượng cà phê thế giới và dự kiến sản lượng cà phê của quốc gia này cũng sẽ ở dưới mức tiêu chuẩn vào năm 2022, đồng thời Brazil cũng không có đủ lượng hàng tồn kho dự trữ.
Ngay cả sản lượng cà phê của Ấn Độ - đang bù đắp nguồn cung cà phê ngắn hạn cho thị trường thế giới – cũng đang phải đối mặt với khả năng sụt giảm năng suất do mưa quá nhiều.
Việc gia tăng bán phòng hộ hàng vụ mới từ các nước sản xuất hiện đang vào thu hoạch vụ mùa mới, tiếp tục gây sức ép trên các thị trường kỳ hạn, trong bối cảnh giá cà phê phái sinh vừa đạt mức cao xấp xỉ 10 năm.
Trong thời gian tới, hiện tượng El Nina sắp xảy ra, các nhà sản xuất cà phê cũng đã dự đoán sản lượng cà phê sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters