Hợp đồng dầu cọ giao tháng 3 trên sàn Bursa Malaysia tăng 41 ringgit, tương đương 0,82% đạt 5.034 ringgit (1.199,14 USD)/tấn, sau khi có mức tăng cao nhất trong ngày là 2,6%.
Dữ liệu của Hiệp hội Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho thấy, dự trữ dầu cọ cuối tháng 12/2021 tại nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này giảm mạnh hơn so với dự kiến xuống 1,58 triệu tấn, giảm 12,88% so với tháng trước đó. Sản lượng dầu cọ sụt giảm 11,26% trong khi xuất khẩu giảm 3,48%.
Paramalingam Supramaniam, Giám đốc Công ty môi giới Pelindung Bestari có trụ sở tại Selangor cho biết, các kho dự trữ cuối cùng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích và điều đó sẽ khiến giá cọ tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu thấp trong tháng Giêng cũng tác động lên giá.
Theo Công ty AmSpec Agri Malaysia, xuất khẩu trong 10 ngày đầu tháng 1/2022 chỉ đạt 318.928 tấn, giảm 41% so với cùng kỳ tháng trước (544.059 tấn).
Anilkumar Bagani, trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty môi giới Dầu thực vật Sunvin Group có trụ sở tại Mumbai, ước tính sản lượng dầu cọ trong tháng Giêng cũng có khả năng giảm hai con số do đợt lũ lụt gần đây.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 1,5%, giá dầu cọ tăng 1,6%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,5%.
Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.