Giá dầu đậu tương và dầu thô giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nhu cầu năng lượng suy yếu đã gây thêm áp lực lên thị trường.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 9/2022 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 4,27% xuống 5.221 ringgit (1.186,59 USD)/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 5.080 ringgit (1.154,55 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 7,8%, sau khi giảm 8,3% trong tuần trước đó.
Cơ quan khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services cho biết, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 6/2022 giảm 10,5% xuống 738.368 tấn từ mức 824.589 tấn xuất khẩu trong cùng kỳ tháng 5/2022, đã tạo thêm áp lực lên giá.
Nhà xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới Indonesia đã cấp giấy phép xuất khẩu hơn 820.000 tấn dầu ăn theo chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) và chương trình tăng tốc xuất khẩu tính đến tuần trước, theo quan chức Oke Nurwan của Bộ Thương mại nước này.
Theo chương trình DMO, hạn ngạch xuất khẩu của một công ty được gắn với sản lượng bán hàng tại địa phương.
Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này đã giảm giá nhập khẩu cơ bản đối với dầu cọ thô, dầu đậu tương, vàng và bạc.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 1,6%, giá dầu cọ giảm 3,2%. Sàn Chicago đóng cửa phiên đầu tuần nghỉ lễ Juneteenth.
Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.