Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 21 tháng do nhu cầu giảm và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu khác, trong khi giá gạo của Việt Nam tăng nhẹ.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần qua được báo giá ở mức 403-410/tấn, giảm so với mức 409-415 USD tuần trước.
"Người mua đang trả giá thấp vì giá của Pakistan và Việt Nam rẻ hơn", Reuters một đại lý có trụ sở tại New Delhi với một công ty thương mại toàn cầu cho biết.
Tuần trước, Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu gạo 100% tấm sau khi cấm từ tháng 9/2022.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 392 USD/tấn, tăng so với mức 389 đô la một tuần trước.
Nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng một nửa vụ đông xuân.
Giá gạo Thái Lan giảm do nhu cầu hiện đang rất thấp trong khi nguồn cung dồi dào. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 405-408 USD/tấn so với mức 415 USD/tấn của tuần trước do biến động tỷ giá hối đoái. Giá gạo Việt Nam và Ấn Độ thấp hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan.
Reuters dẫn lời một thương nhân Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo của nước này năm nay dự báo sẽ khó khăn do nguồn cung gia tăng từ các nhà sản xuất khác như Ấn Độ và Campuchia.
"Nhu cầu ổn định với trọng tâm là khách hàng thường xuyên", thương nhân này cho biết, đồng thời nói thêm rằng giá sẽ không vượt quá 410 USD/tấn mặc dù tỷ giá hối đoái biến động.
Trong khi đó, giá gạo trong nước tại Bangladesh vẫn ở mức cao gây áp lực lên người tiêu dùng, mặc dù chính phủ nước này nỗ lực tăng nhập khẩu và tăng dự trữ.
Nước này đang mua gạo từ Việt Nam, Myanmar và Pakistan thông qua các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ và đấu thầu quốc tế.
Các nguồn tin thương nhân ngày 13/3 cho biết Cơ quan thu mua ngũ cốc nhà nước của Bangladesh thông báo đã ban hành một đợt đấu thầu quốc tế mới để mua 50.000 tấn gạo. Hạn chót nộp giá chào là ngày 27 tháng 3.
Sau khi sản lượng trong nước bị thiệt hại trong năm 2024, Bangladesh rất tích cực nhập khẩu gạo từ thị trường quốc tế.
Trước đợt mời thầu này, Bangladesh cũng đã mở 2 đợt mời thầu khác để tìm kiếm 50.000 tấn gạo/đợt (một đợt có hạn bỏ thầu đến 11/3 và một đợt đến 19 tháng 3).
Gạo Bangladesh tìm mua là gạo đồ non-basmati, theo hình thức CIF vận chuyển đường biển, bao gồm cả chi phí dỡ hàng trên tàu, để vận chuyển đến các cảng Chittagong và Mongla. Gạo có thể có xuất xứ trên toàn thế giới và phải được vận chuyển trong vòng 40 ngày sau khi ký hợp đồng.
Lũ lụt ở Bangladesh vào tháng 8 và tháng 10 năm 2024 đã gây tổn thất khoảng 1,1 triệu tấn gạo, khiến nước này phải mở rộng nhập khẩu loại ngũ cốc chính này để hạ nhiệt giá lương thực đang tăng cao. 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)