Tại miền Bắc thị trường lặng sóng
Sau khi biến động tại một vài địa phương trong ngày hôm trước, giá lợn hơi tại khu vực ổn định trở lại, giao dịch trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg; trong đó, tại Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Hải Dương đạt 48.000 - 50.000 đồng/kg; tại Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hoà Bình 47.000 - 47.500 đồng/kg; mức giá thấp hơn khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Tuyên Quang.
Tại miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ổn định
Tại Nghệ An, Thanh Hóa, giá lợn đang ở mức cao nhất khu vực, 46.000 đồng/kg; khu vực Huế, Quảng Bình, Quảng Trị ổn định 41.000 đồng/kg; thấp hơn chút 40.000 đồng/kg là tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa; tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định 35.000 - 36.000 đồng/kg; tại Gia Lai 38.000 đồng/kg; Đắk Lắk 41.000 - 42.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung nằm trong khoảng 35.000 - 46.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá biến động nhẹ
Giá lợn hơi tại Bình Dương và Hậu Giang đồng loạt giảm 2.000 đồng xuống lần lượt 42.000 đồng và 38.000 đồng/kg; các địa phương khác giá lợn hơi không mấy thay đổi so với ngày hôm trước; tại Đồng Nai, Bình Phước 41.000 - 42.000 đồng/kg; Bà Rịa Vũng Tàu 39.500 - 41.000 đồng/kg; tại Tây Nam Bộ như An Giang, Cần Thơ… vẫn duy trì mức 38.000 – 40.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 10/9/2019 đạt 6.100 con và tình hình buôn bán của thương lái khá thuận lợi.
Giá lợn hơi sẽ còn tăng cao trong thời gian tới
Thời gian gần đây giá lợn hơi đang có những tín hiệu tích cực ở tất cả khu vực trên cả nước. Dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, nhất là vào Tết Nguyên đán năm 2020 vì nguồn cung ngày càng khan hiếm cục bộ, khi số lượng đáng kể lợn nuôi bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo tiềm ẩn rủi ro nhiễm bệnh trở lại.
Số liệu của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cho biết tổng đàn lợn của tỉnh hiện chỉ còn trên 1,85 triệu con, giảm hơn 650.000 con so với cách đây 4 tháng khi chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi; trong đó, tổng đàn nái hiện chỉ còn khoảng 230.000 con, giảm đến 100.000 con so với hồi đầu năm, đây cũng là nguyên nhân khiến giá lợn hơi biến động tăng không chỉ tại Đồng Nai mà còn tại các địa phương trên cả nước.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 438 ấp, 3.560 hộ của 11/11 huyện, thành phố có dịch với tổng số lợn tiêu hủy là 327.150 con. Hiện số ca bệnh và con bệnh có giảm nhưng bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp do mật độ rất lớn, số lượng trang trại nhiều.
Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo giá thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung thịt lợn giảm với ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng khu vực miền Bắc và thị trường Trung Quốc.
Theo đó, hiện vẫn chưa đến cao điểm của nhu cầu tiêu thụ thịt lợn nhưng khảo sát tại TP HCM cho thấy giá lợn hơi tăng cao khiến lợn thịt về thị trường TP HCM cũng liên tục tăng mạnh thời gian gần đây. Đáng chú ý, dù giá tăng cao nhưng nhu cầu của người dân vẫn khá tốt và tâm lí e dè vì dịch tả lợn châu Phi đã giảm hẳn so với trước đây.
Dự báo thời gian tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt của Mỹ và có xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác trong đó có Việt Nam, trong khi lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều.
Tại thị trường Chicago (Mỹ), giá lợn giao tháng 8 tăng 7%. Giá lợn biến động do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và căng thẳng thương mại của Mỹ với Trung Quốc ảnh hưởng đến nhập khẩu.
Cục chế biến nông sản và Phát triển thị trường dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới khi Tổng thống Trump vừa tuyên bố 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang bị đánh thuế 25% sẽ bị đánh thuế ở mức 30%. 300 tỉ USD hàng hóa còn lại, vốn được lên kế hoạch bị đánh thuế từ ngày 1/9/2019 ở mức 10%, giờ sẽ bị đánh thuế ở mức 15%, bắt đầu từ ngày 1/10/2019.
Trong khi đó, trên thị trường trong nước nội địa, để cân đối nguồn cung bị thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho hay Bộ Nông nghiệp có chủ trưởng tìm vật nuôi khác thay thế như gà, vịt, đại gia súc... Đối với nông hộ trang trại chưa đủ điều kiện an toàn sinh học chưa tái đàn nhưng đối với trang trại bài bản, có đủ khả năng kiểm soát dịch bệnh thì có thể tái đàn để đảm bảo nguồn cung trong điều kiện chúng ta đang phải hủy nhiều lợn như vậy. Đồng thời một số doanh nghiệp chế biến có thể nhập thịt để đảm bảo hoạt động kinh doanh và nhu cầu của người dân.
Việt Nam có thể thiếu 1,3 tỷ USD giá trị thịt lợn vào đầu năm 2020
Theo công ty tư vấn Ipsos Business Consulting, trong giai đoạn từ nay đến cuối tháng 1/2020 (trùng với thời điểm Tết Nguyên đán), Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt 500.000 tấn thịt lợn (trị giá gần 1,3 tỷ USD) do dịch tả lợn châu Phi tàn phá đàn lợn trong nước.
Khối lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 5 - 7 lần trong nửa đầu năm nay và sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ và châu Âu có thể bù đắp đáng kể lượng thịt thiếu hụt (trị giá khoảng 1,29 tỷ USD) hay không, ông Phong Quách, người phụ trách Ipsos Business Consulting tại Việt Nam, lo ngại. Cũng theo ông Phong, người dân Việt Nam ưa thích thịt tươi mua từ chợ truyền thống hơn, trong khi thịt nhập khẩu chủ yếu là loại đông lạnh.
Doanh nghiệp cần phải có các cơ sở lưu trữ, rã đông, cắt và đóng gói khối lượng lớn thịt lợn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thói quen mua sắm của người dân, đồng thời phải thiết lập hệ thống phân phối thịt lợn đến các chợ địa phương, bên cạnh chuỗi siêu thị lớn tại thành phố.
Tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn đang gây thêm áp lực lên nỗ lực duy trì lạm phát dưới 4% của chính phủ trong năm nay.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 70% tổng lượng thịt tiêu thụ tại Việt Nam trong năm ngoái là thịt lợn.
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi lần đầu được báo cáo ở hai tỉnh phía bắc vào đầu tháng 2, cho đến nay đã có khoảng 5 triệu con lợn đã bị tiêu hủy trên khắp Việt Nam, tương đương 20% đàn lợn cả nước. Nỗ lực kiểm soát dịch cho đến nay không thể ngăn chặn sự lây lan của virus tả lợn châu Phi, khi một số tỉnh từng tuyên bố hết dịch tả lợn nay bùng phát trở lại.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai lo ngại về vấn đề thiếu nguồn cung thịt lợn vì toàn bộ số lợn nái trong các trang trại bị ảnh hưởng đều đã đem đi tiêu hủy hoặc bán do virus tả lợn châu Phi lây lan. Đồng Nai đã tiêu hủy hơn 30% tổng đàn lợn trong tỉnh, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ bắt đầu thiếu thịt lợn vào cuối tháng 10. Việc thương lái thu mua thịt lợn Việt Nam với mức giá cao để xuất sang Trung Quốc cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung thịt tại Việt Nam.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet