Tại miền Bắc
Tại tỉnh Bắc Giang giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 50.000 đồng/kg; Tại tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg về mức 49.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg; tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội giảm 1.000 đồng/kg xuống 51.000 đồng/kg; Tại tỉnh Yên Bái, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam giá ổn định ở mức 51.000 - 52.000 đồng/kg; tại Lào Cai, Thái Bình, Nam Định ở mức thấp 50.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động 49.000 - 52.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận giá lợn hơi đang ở mức 54.000 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa 52.000 - 53.000 đồng/kg; tại Bình Định thấp nhất toàn miền 50.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động 50.000 - 54.000 đồng/kg.
Tại miền Nam
Toàn miền có duy nhất tỉnh Đồng Tháp giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 53.000 đồng/kg. Ngược lại, tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre giá đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg; Còn tại tỉnh Vĩnh Long giá tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg, các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Kiên Giang giá lợn hơi cao nhất toàn miền 54.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Vũng Tàu giá lợn hơi được thu mua với mức 52.000 - 53.000 đồng/kg. Còn tại Đồng Nai, Hậu Giang giá ở mức thấp 51.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động 51.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá lợn, gia cầm “lao dốc”, lo thiếu thịt dịp cuối năm
Thông tin từ báo Hải quan, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi cũng như giá gia cầm liên tục giảm mạnh, nông dân ngại tái đàn, vì vậy nguy cơ thiếu thực phẩm dịp cuối năm, đặc biệt là thịt gà.
Phát biểu tại Hội nghị sản xuất chăn nuôi, cung - cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021, khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 1/9/2021, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, dù tác động của dịch Covid-19 nhưng hiện tình hình chăn nuôi của Đồng Nai vẫn phát triển ổn định. Trên địa bàn Đồng Nai còn 9/62 cơ sở giết mổ đang còn hoạt động, chuỗi giết mổ, cung ứng thực phẩm của các doanh nghiệp cơ bản duy trì ổn định nhờ 70% nhân lực đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tiêu thụ gia cầm, lợn đang gặp nhiều khó khăn. Giá lợn hơi, giá gia cầm giảm sâu.
Nhu cầu tiêu thụ gà lông trắng, gà lông màu trong tháng 8/2021 giảm 30 - 40% so với bình thường. Đặc biệt, từ khi các tỉnh, thành phố như TPHCM, Bình Dương, Long An siết giãn cách xã hội, sản lượng giết mổ giảm mạnh, khiến giá gia cầm đang hết sức bế tắc. Hiện, giá gà lông trắng chỉ còn 8.000 đồng/kg, gà lông màu 28.000 đồng/kg, trong khi gà thải loại không bán được.
Về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường các tháng cuối năm, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán, riêng trên địa bàn Đồng Nai, tổng đàn lợn vẫn duy trì đảm bảo 80- 90% trước dịch. Giá lợn hơi hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Với gia cầm, lượng gà đang dư số lượng lớn vì nhu cầu giảm tới 40%, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng nên người nuôi rất dè dặt tái đàn. Dự báo, thời gian tới, nguồn cung thịt gà có thể sẽ thiếu, đặc biệt là gà ta vì hiện tại nhiều công ty đang bán trứng giống thành trứng thương phẩm.
Cần định hướng chiến lược về nhu cầu sản phẩm chăn nuôi
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong khi giá gia cầm, giá lợn hơi giảm thì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 từ 16-36%. Tình trạng này dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao và dự báo vẫn tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị thời gian tới Bộ NN&PTNT hỗ trợ Hà Nội định hướng, xây dựng được những chợ đầu mối chuyên ngành để tiêu thụ sản phẩm cho hộ chăn nuôi. Trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, những chợ đầu mối chuyên ngành rất hiệu quả. Không chỉ Hà Nội, Bộ NN&PTNT cũng nên có tác động với các tỉnh để có những chợ đầu mối như vậy nhằm tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và nông dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có định hướng chiến lược về nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như xuất khẩu. Bộ phải có dự báo về nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi để các địa phương có định hướng phát triển, phát huy tiềm năng cho phù hợp, tránh phát triển số đông dẫn tới cảnh được mùa rớt giá.
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, ông Trọng đề xuất đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi; cần phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.