Dẫn nguồn ihsmarkit.com, theo báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của OECDFAO, trên thị trường toàn cầu, trái bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn, vượt qua dứa và xoài.
Trong đó, Mexico là thị trường sản xuất và xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới, dự báo sản lượng bơ của Mexico tăng trưởng bình quân 5%/năm trong vòng 10 năm tới.
Xuất khẩu trái bơ của Mexico tăng là nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh tại Mỹ, thị trường tiêu thụ chính trái bơ của Mexico.
Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia khác, Mexico dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng xuất khẩu trái bơ trên toàn cầu lên 63% vào năm 2030.
Trong đó, Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu chính trái bơ của Mexico. Tỷ trọng nhập khẩu bơ của Mỹ dự kiến chiếm 40% và EU chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu trái bơ trên toàn cầu vào năm 2030.
Bên cạnh đó, nhập khẩu trái bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như ở Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông.
Diện tích bơ ở Việt Nam tăng mạnh
Ở Việt Nam bơ cũng là loại cây trồng được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên diện tích cây bơ đang có xu hướng tăng, nhất là ở Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích trồng cây bơ đã tăng gấp nhiều lần so với 3 năm trước.
Đơn cử như tại Đắk Lắk, diện tích trồng bơ của tỉnh này liên tục tăng, nếu như năm 2018 diện tích bơ của tỉnh là 1.537 ha thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên gần 3.800 ha với sản lượng trên 15.000 tấn.
Từ thực tế đó, Cục Trồng trọt khuyến cáo, do đây là cây công nghiệp dài ngày, trồng 3 năm mới thu hoạch và thu hoạch trong nhiều năm nên các địa phương phải có định hướng, không thể phát triển ồ ạt.
Bên cạnh đó, giống bơ của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn như kích thước, chất lượng... để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Do đó, các doanh nghiệp, địa phương, nông dân cần phải tìm hiểu kỹ trước khi phát triển cây bơ.
Được biết, Bộ NNPTNT cũng đang xúc tiến trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với 8 loại hoa quả (Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít), tạo thuận lợi trong xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.
Thống nhất với phía bạn, hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu tạm thời đối với ớt và khoai lang trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Nguồn: Báo điện tử Dân Việt