Số liệu trên được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn từ Bộ Nông nghiệp Mỹ qua các năm 2021, 2022 và 2023. Theo đó, Việt Nam nằm trong top 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4% (sản xuất thịt lợn trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn).
Trong giai đoạn từ 2019 - 2023, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đã trải qua nhiều biến động. Tổng đàn lợn (không bao gồm lợn con theo mẹ), mặc dù đã giảm trong một giai đoạn ngắn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng đã dần khôi phục về mức trước khi dịch bùng phát.
Giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, với doanh thu toàn ngành đạt trên 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và hơn 5% vào tổng GDP của cả nước. Chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chủ lực, chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Đến cuối năm 2023, tổng đàn lợn đạt 25,5 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6% mỗi năm trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, cơ cấu chăn nuôi lợn tại Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, ngành chăn nuôi lợn đang chuyển sang mô hình sản xuất tập trung, bán công nghiệp, và quy mô lớn. Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm từ 5 - 7% mỗi năm, trong khi các trang trại quy mô lớn và mô hình liên kết chuỗi đang ngày càng chiếm ưu thế. Đến cuối năm 2023, sản lượng lợn từ các trang trại chiếm từ 60 - 65% tổng sản lượng, trong khi sản lượng từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn 35 - 40%.
Mặc dù vậy, Cục Chăn nuôi cũng khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp.
Trường hợp nếu muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với du lịch.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng đàn lợn của cả nước ước đạt 25,549 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong các tháng đầu năm 2024 cho thấy sự ổn định, chỉ thấp hơn so với quý I/2023, nhưng tương đương với các quý còn lại của năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì được sự ổn định, với dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhập khẩu thắt chặt, và giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong nửa đầu năm 2024 đạt 3% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đang tiến tới mô hình chăn nuôi hiện đại hóa, với các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Masan, Tân Long và các doanh nghiệp nước ngoài như CP, Japfa Comfeed đang dẫn đầu trong việc xây dựng hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, hướng tới hiện đại hóa và gia tăng giá trị.
Trong tương lai gần, với sự hỗ trợ từ chính sách và sự đồng lòng của các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ chăn nuôi thế giới. Điều này không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với người tiêu dùng quốc tế.