Trong nỗ lực gia tăng doanh thu, các nước sản xuất ca cao Côte d’Ivoire và Ghana đã và đang tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc để có được tài trợ và phát triển thị trường mới. Động thái này có thể gây ra mối đe dọa đối với ngành công nghiệp sôcôla Thụy Sỹ và nguồn cung cấp nguyên liệu thô.
 
Tổng thống Côte d’Ivoire Alassane Ouattara hồi tháng Chín năm ngoái đã đặt nền móng cho một nhà máy ca cao có khả năng chế biến 50.000 tấn hạt ca cao mỗi năm. Thông cáo báo chí chính thức cho biết, việc khai trương đã đánh dấu “một chương mới” trong lịch sử ca cao của quốc gia Tây Phi này.
 
Thay vì bán hạt thô cho các công ty chế biến và hàng hóa nước ngoài như công ty Thụy Sỹ Barry Callebaut, nhà máy mới sẽ cho phép Côte d’Ivoire thu được lợi nhuận lớn hơn khi chế biến hạt ca cao tại địa phương và bán sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn. Côte d’Ivoire hiện xử lý khoảng 35% hạt ca cao trong nước và đặt mục tiêu chế biến toàn bộ hạt ca cao thô vào năm 2025.
 
Dự án chế biến ca cao của Côte d’Ivoire cũng bao gồm một nhà máy khác có quy mô và công suất tương tự ở thành phố cảng San Pedro phía Tây Abidjan. Để có vốn đầu tư cho các dự án, Côte d’Ivoire nhận một khoản vay từ Trung Quốc trị giá 216 tỷ franc CFA (388 triệu USD). Ngoài ra, dự án còn bao gồm hai kho chứa với tổng quy mô lên đến 300.000 tấn, sẽ được sử dụng để lưu trữ hạt ca cao nhằm bán ra với giá tối ưu khi nhu cầu cao.
 
Côte d’Ivoire không phải là quốc gia duy nhất tìm kiếm sự trợ giúp của Trung Quốc để tăng doanh thu từ ca cao. Vào tháng 9/2019, nước láng giềng Ghana đã ký một biên bản ghi nhớ với tập đoàn nhà nước Trung Quốc China General Technology Group (Genertec) về việc xây dựng một nhà máy chế biến ca cao tại Sefwi Wiawso ở miền Tây nước này.
 
Nhà máy sẽ được vận hành bởi Cocobod (một công ty nhà nước phụ trách điều phối sản xuất, xúc tiến ca cao của Ghana) và Genertec theo hình thức hợp tác công tư. Nhà máy này dự kiến có chi phí khoảng 100 triệu USD và sẽ giúp tăng thị phần ca cao chế biến của Ghana từ 15% lên 25%.
 
Việc nghiêng về đầu tư của Trung Quốc cũng như việc chuyển hướng khỏi hoạt động cung cấp ca cao thô cho các khách hàng phương Tây như Barry Callebaut, Olam và Cargill là một chiến lược đáng chú ý.
 
Đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ sôcôla chính là châu Âu và Mỹ. Năm ngoái, Côte d’Ivoire đã bổ sung thêm khoản thuế 400 USD cho mỗi tấn ca cao xuất khẩu nhằm mang lại lợi ích cho nông dân, song chính sách này được cho là không đúng thời điểm. Sau đó, Côte d’Ivoire đã phải giảm giá bán và tăng hàng dự trữ; điều này đã xóa sổ các khoản lợi nhuận từ thuế. Trong khi đó, Tây Phi dự kiến sẽ tăng sản lượng ca cao trong những tháng tới do thời tiết tốt. Động thái này được dự báo sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá lên mặt hàng này.
 
Rõ ràng là Côte d’Ivoire và Ghana phải có chính sách can thiệp để điều chỉnh giá ca cao sao cho hợp lý, trong bối cảnh dư thừa sản lượng và nhu cầu toàn cầu ở mức thấp. Cả hai nước đều đang đặt cược vào việc cung cấp các sản phẩm ca cao bán thành phẩm có giá cao hơn so với hạt thô, giúp tăng gấp đôi doanh thu xuất khẩu.
 
Tây Phi cũng quan tâm đến việc bán ca cao đã qua chế biến cho thị trường Trung Quốc. Là một phần của thỏa thuận giữa hai nước, Trung Quốc sẽ được ưu đãi tiếp cận “vàng nâu” của Côte d’Ivoire với 40% sản lượng từ hai nhà máy được dành cho các công ty Trung Quốc. Hội đồng các nhà sản xuất ca cao của Côte d’Ivoire cũng sẽ mở một văn phòng tiếp thị tại Trung Quốc để quảng bá các sản phẩm ở thị trường châu Á này.
 
Mặc dù mức tiêu thụ sôcôla bình quân đầu người của Trung Quốc thấp (dưới 100g mỗi năm), doanh số bán hàng của các công ty Thụy Sỹ ở thị trường Trung Quốc vẫn đang tăng lên. Doanh số bán hàng của Barry Callebaut tại châu Á-Thái Bình Dương (bao gồm Trung Quốc) tăng 7,4% trong tài khóa 2019-2020, trái ngược với mức giảm toàn cầu là 2%. Nhà sản xuất sôcôla Lindt & Sprungli chứng kiến tổng doanh số bán hàng giảm 6,1% trong năm 2020, nhưng riêng thị trường Trung Quốc lại tăng trưởng 10,1%.
 
Giống như hầu hết các công ty toàn cầu, Trung Quốc sử dụng các khoản vay và các dự án cơ sở hạ tầng để có được ảnh hưởng và tiếp cận các thị trường mới. Trung Quốc còn sử dụng ca cao làm tài sản thế chấp trong các giao dịch cơ sở hạ tầng để đảm bảo trả nợ. Ước tính Côte d’Ivoire cần cung cấp 40.000 tấn ca cao mỗi năm để đảm bảo các khoản vay.
 
Các khoản cho vay từ Trung Quốc cũng thường gắn liền với yêu cầu sử dụng hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc trong các dự án. Ví dụ, hợp đồng xây dựng nhà máy chế biến và kho bảo quản ca cao ở Côte d’Ivoire sẽ được chuyển cho công ty China Light Industry Design Engineering Company (một công ty con thuộc tập đoàn Trung Quốc China Haisum Engineering).
 
Theo một báo cáo trên tạp chí Africa Intelligence, hội đồng ca cao của Côte d’Ivoire đã phàn nàn về hợp đồng của Trung Quốc và nói rằng họ không có quyền tiếp cận công trường. Hội đồng mong muốn các công ty địa phương tham gia xây dựng các nhà máy và đã đề nghị Tổng thống Alassane Ouattara can thiệp.
 
Nếu chiến lược sản xuất ca cao thành phẩm của Ghana và Côte d’Ivoire thành công, hai nước này sẽ cạnh tranh trực tiếp với các công ty và nhà chế biến hàng hóa của Thụy Sỹ như Barry Callebaut, đặc biệt là ở Trung Quốc. Các công ty đã duy trì dòng vốn đầu tư ổn định vào Trung Quốc - bao gồm cả việc tạo ra văn hóa sôcôla thông qua tiếp thị - trong hơn một thập kỷ. Barry Callebaut có một nhà máy địa phương và một văn phòng bán hàng ở Tô Châu, cũng như ba văn phòng kinh doanh và Trung tâm Học viện sôcôla (nơi hơn 5.000 thợ thủ công Trung Quốc đã được đào tạo về chế biến sôcôla) ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến.
 
Bên cạnh đó, chiến lược của Ghana và Côte d’Ivoire để chế biến thêm ca cao tại địa phương cũng có thể khiến các công ty nước ngoài khó thu mua hạt ca cao thô hơn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và biên lợi nhuận của Thụy Sỹ. Với nguồn cung thô ít hơn từ Tây Phi, các nhà sản xuất sôcôla như Nestlé và Lindt & Sprungli của Thụy Sỹ có thể phải đối mặt với giá nguyên liệu thô như bơ ca cao đắt hơn và có khả năng chuyển thêm chi phí cho người tiêu dùng. Ghana và Côte d’Ivoire chiếm 46% nguồn cung cấp ca cao thô từ Ghana và Côte d’Ivoire, trong khi Ghana là nguồn cung hạt ca cao chính của Lindt & Sprungli.
 
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội kinh doanh cho các công ty Thụy Sỹ ở Ghana và Côte d’Ivoire hướng tới việc gia tăng giá trị cho sản phẩm ca cao. Vào tháng Sáu, công ty thiết bị chế biến thực phẩm Thụy Sỹ Bühler đã ký một thỏa thuận với Cocobod để cung cấp đào tạo, phát triển sản phẩm và hướng dẫn công nghệ.
 
Joseph Boahen Aidoo, Giám đốc điều hành Cocobod, cho biết tại lễ ký kết với Bühler vào ngày 22/6 rằng sự tham gia của công ty Thụy Sỹ sẽ là một phần trong quá trình “chuyển từ sản xuất ca cao truyền thống sang phương thức sản xuất ca cao hiện đại” của Ghana. Giám đốc Aidoo cũng đã đề nghị Thụy Sỹ tăng cường quan hệ kinh tế với Ghana thông qua các quan hệ đối tác cho phép sản xuất ca cao thành phẩm hoặc bán thành phẩm cho thị trường quốc tế./

Nguồn: BNEWS (Tố Uyên - TTXVN Tại Geneva)