Theo dự báo mới nhất của USDA, năm 2022, chăn nuôi lợn và sản lượng thịt lợn của Nhật Bản có thể thấp hơn dự kiến. Báo cáo cho biết, trong năm 2021 sản lượng thịt lợn tăng và việc tái đàn lợn chậm đã làm giảm lượng lợn nái dự trữ đầu năm 2022. Do đó, nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản trong năm 2022 có thể tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trong năm 2021, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng, đã đẩy giá thịt lợn lên cao hơn mức năm 2019, năm COVID-19. Bất chấp rủi ro thị trường do đại dịch gây ra, các nhà chăn nuôi lợn đã phản ứng với việc tăng giá bằng cách tăng lượng lợn giết mổ và sản lượng thịt lợn tăng 1% (đạt 16.836.873 con và 1.318.125 tấn thịt lợn trong năm 2021).
Thị trường sản xuất thịt lợn vẫn tăng mạnh bất chấp các vấn đề về bệnh dịch tả lợn CSF. Ngay cả với chương trình tiêm phòng vắc xin CSF, vẫn có khoảng 100.000 con lợn cần phải tiêu hủy trong năm 2021. Các chương trình tái đàn lợn với việc nhập khẩu lợn nái giống đã được tiến hành từ năm 2018, nhưng do tình trạng tắc nghẽn vận tải toàn cầu trong năm 2021 đã làm chậm trễ việc nhập khẩu lợn giống của Nhật Bản. Do đó, tốc độ giết mổ đã vượt quá tốc độ tái đàn.
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong các ngành dịch vụ thực phẩm phục hồi, cộng với nhu cầu bán lẻ tiếp tục ổn định, cho thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh. Giá thịt bò cao cũng có thể làm tăng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, do đó USDA đã tăng dự báo tiêu thụ thịt lợn của Nhật Bản trong năm 2022. Trong năm 2021 và năm 2020, việc nấu nướng tại nhà nhiều hơn đã thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn tăng so với trước khi bùng phát COVID-19 năm 2019, tăng khoảng 8% đối với thịt lợn tươi hoặc đông lạnh, và tăng 4% đối với các sản phẩm chế biến.
Nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng nhẹ để cân bằng thị trường, do sản lượng thịt lợn trong nước năm 2022 dự kiến giảm. Tuy nhiên, nhu cầu tăng có thể vượt quá nguồn cung do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, USDA dự đoán lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu Nhật Bản cuối năm 2022 sẽ giảm.
Trong năm 2021, nhập khẩu thịt lợn ướp lạnh của Nhật Bản tăng nhẹ so với năm 2019, nhưng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh giảm mạnh hơn, khiến tổng nhập khẩu thịt năm 2021 vẫn giảm so với năm 2019. Tóm lại, dự trữ nội địa cuối năm 2021 của Nhật Bản giảm do nhu cầu tăng, trong khi nhập khẩu giảm. USDA dự báo tình trạng đó sẽ tiếp tục trong ít nhất nửa đầu năm 2022.

Nguồn: Vinanet/VITIC/euromeatnews