Thương vụ Việt Nam tại Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thuộc Bộ Công Thương cho biết sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của UAE khá hạn chế, hầu hết lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp thặng dư thương mại của Việt Nam với UAE đạt 3,3 tỷ USD năm 2022.
Một số sản phẩm của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn và tiếp tục có khả năng xuất khẩu sang thị trường UAE trong năm 2023 như cá tra, thanh long, dưa hấu, hạt điều...
Thương vụ Việt Nam tại UAE thông tin xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang UAE trong năm 2022 tăng trên 18% so với năm 2021. Riêng mặt hàng cá tra đông lạnh, phi lê, Việt Nam đang đứng đầu thế giới xuất khẩu vào UAE, chiếm trên 50% thị phần.
Ngoài ra, các mặt hàng rau quả như thanh long, dưa hấu, chanh không hạt của Việt Nam cũng đang chiếm lĩnh thị trường UAE nói riêng, cũng như thị trường các nước Trung Đông và GCC (Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng vịnh) nói chung.
“Các mặt hàng này của Việt Nam đang được bày bán trong siêu thị của UAE với giá hợp lý. Doanh nghiệp trong nước cần thúc đẩy xuất khẩu một số loại trái cây khác, đặc biệt là loại có quanh năm không theo thời vụ như bưởi”, ông Trung khuyến nghị.
Ngoài thủy sản và rau quả, hạt điều Việt Nam hiện cũng chiếm thị phần lớn nhất tại UAE, tới 81%. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang UAE đạt hơn 55 triệu USD, tăng 14% so với năm 2021. Bên cạnh đó, hạt tiêu Việt Nam cũng chiếm tới 60% thị phần nhập khẩu của UAE với kim ngạch 58 triệu USD.
Không chỉ nông thủy sản, một số mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam cũng đang có cơ hội xuất khẩu sang UAE, trong có nhóm hàng chế biến, chế tạo; gỗ và sản phẩm từ gỗ; dệt may; giày dép…
“Trong nhóm hàng chế biến, chế biến chế tạo, dây cáp điện rất có tiềm năng bởi Dubai đang thúc đẩy đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng, làm tăng nhu cầu về điện và năng lượng trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, dân cư. Sự phát triển của lưới điện thông minh và nâng cấp hệ thống truyền tải điện sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường dây cáp điện của UAE”, ông Trung thông tin.
Nhiều nhóm hàng hóa của Việt Nam đã chiếm thị phần lớn tại UAE, tuy nhiên ông Trung cho rằng đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng. Thứ Hai hàng tuần, nhà nhập khẩu UAE sẽ xem xét giá chào của các nước gửi đến, giá nào cao hơn sẽ bị loại, thậm chí doanh nghiệp đang xuất khẩu vào UAE tuần này, sang tuần sau đã có thể mất đơn hàng.
Ngoài ra, ông Trung lưu ý UAE là quốc gia hồi giáo, hầu hết thực phẩm và đồ uống khi nhập khẩu vào UAE đều phải có chứng nhận Halal. Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý tem mác trên bao bì thực phẩm nên được dịch sang tiếng Saudi Arabia, trong đó nêu rõ tên, xuất xứ sản phẩm, hàm lượng…

Nguồn: doanhnghiep&kinhdoanh